Cuộc thi video – Happy Việt Nam!

Sắp xếp theo

Video: Người Mông ở Hà Giang của Minh Chuyên
ID: 19524
Lời giới thiệu: Người Mông ở Hà Giang có gần 200.000 người, là dân tộc có số dân đông nhất chiếm trên 31% các dân tộc trong tỉnh, với 2 nhóm chính là Mông trắng và Mông hoa sinh sống chủ yếu ở các Huyện phía bắc: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc và hai huyện phía tây Hoàng Su phì, Xín Mần. Người Mông cư trú xen kẽ với các dân tộc: Dao, Lô Lô, Pu Péo, Cờ Lao, Tày, Nùng ... Người Mông ở đây nổi tiếng với truyền thống canh tác nương đá, trồng lúa, ngô và các loại hoa màu khác. Sản xuất thủ công của đồng bào Mông đạt đến trình độ khá cao như dệt, đan lát, làm đồ gỗ, rèn đúc... Trang phục truyền thống của phụ nữ Mông rất độc đáo. Một bộ nữ phục bao gồm váy, áo cánh, áo xẻ ngực có yếm lửng, thắt lưng, khăn quấn đầu, xà cạp... Váy thường là hình nón cụt, xếp nếp xoè rộng, cũng có khi là váy ống, khi mặc xếp ở hai bên hông. Nhà của người Mông làm bằng đất, có 3 gian, gian giữa đặt bàn thờ tổ tiên. Các cửa chính và cửa phụ đều mở về phía trong. Văn hoá truyền thống người Mông là một kho tàng hết sức phong phú với những phong tục tập quán, lễ nghi, tín ngưỡng. Các dòng họ người Mông có cách thờ cúng tổ tiên không giống nhau. Một số lễ cúng chính như cúng ma cửa (xia mình), ma lớn mụ (đa trung) với số lượng, nội dung các bài cúng, bài trí, sắp xếp nơi cúng, nơi ăn uống đa dạng và phức tạp. Văn học nghệ thuật Mông thể hiện tâm lý, ý thức của cộng đồng, các vấn đề về tự nhiên, xã hội và lịch sử. Nổi bật trong đó là những khúc hát về tình yêu, được thể hiện bằng khèn, sáo, đèn môi, kèn lá. Hoa văn trang trí trên váy là các hình bướm, rắn, hoa, răng bừa, mắt chim, chân lợn... màu sắc hài hoà. Tất cả là những tài sản vô giá của cộng đồng người Mông được lưu giữ từ lâu đời.

1 Vote


Video: VỊ CÔNG TÔN NỮ GIỮ HỒN NGHỀ GỐI HOÀNG CUNG của lê tấn thanh
ID: 12634
Lời giới thiệu: Vốn là vị Công Tôn Nữ cuối cùng của triều Nguyễn, cháu nội của Hoài Đức Quận Công Nguyễn Phúc Miên Lâm - con trai thứ 57 của vua Minh Mạng, Cụ Trí Huệ từ năm 17 tuổi đã được tuyển vào cung học và phục vụ may vá, thêu thùa cho Từ Cung hoàng thái hậu - thân mẫu của vua Bảo Đại. Từ đó, Cụ đã bén duyên và trở thành nghệ nhân đặc biệt hiếm hoi còn biết đến nghề may gối “trái dựa”. Đây là loại gối từng được sử dụng phổ biến trong Hoàng Cung để vua, quan triều Nguyễn gối đầu, dựa lưng, hoặc tì cánh tay trong lúc ngồi ngâm thơ, đọc sách. Tìm đến làng quê Hương Cần yên bình dưới cơn mưa phùn của chiều xuân xứ Huế, căn nhà nhỏ cấp bốn của Cụ Trí Huệ thực sự ấm áp bởi ngọn lửa nghề của cả ba thế hệ. Dù nay đã ngoài trăm tuổi và không ít lần vượt "cửa tử", ngày ngày, Cụ vẫn kiên trì lom khom tỉ mẩn luồn từng sợi chỉ, làm từng chiếc gối dựa Hoàng Cung để thể hiện cốt cách của một con người luôn tri ân đối với nghề truyền thống một thời phục vụ cho dòng dõi hoàng tộc. Luôn đau đáu nỗi lo nghề làm gối dựa sẽ thất truyền sau một thời gian dài bẵng đi vì cơm áo gạo tiền, Cụ còn viết tâm thư gửi con cháu và hàn huyên với mọi người về nguyện vọng hồi sinh và lan tỏa nghề truyền thống này. Lắng nghe những câu chuyện từ một chứng nhân lịch sử bằng xương bằng thịt, có lẽ ai cũng sẽ cùng Cụ vỡ òa hạnh phúc khi nghe kể đến lúc có những đơn hàng đầu tiên từ những vị khách yêu văn hóa Huế…

1 Vote


Video: Trồng lanh, dệt vải - bản sắc văn hóa truyền thống của người Mông của lê tấn thanh
ID: 18664
Lời giới thiệu: Từ bao đời nay, nghề trồng lanh, dệt vải luôn gắn bó với phụ nữ đồng bào dân tộc Mông . Những bộ váy, áo của người Mông được dệt từ sợi lanh đã tạo nên sắc màu rực rỡ cho các phiên chợ, là sản phẩm truyền thống đặc sắc thấm đượm tinh hoa văn hóa đồng bào dân tộc Mông . Đối với đồng bào Mông lanh là một biểu tượng văn hóa. Người dân nơi đây vẫn giữ được nghề dệt vải lanh truyền thống với nguyên liệu tự nhiên và quy trình thủ công. Nghề dệt lanh của người Mông mang ý nghĩa hết sức to lớn đối với văn hóa truyền thống dân tộc, là một minh chứng sinh động thể hiện đức tình cần cù, chịu thương chịu khó của đồng bào đã vượt qua mọi khó khăn, khắc nghiệt của tự nhiên để xây dựng đời sống ngày càng tươi đẹp. Con gái Mông khi đến tuổi trưởng thành được gia đình cho đất riêng để trồng lanh. Trước khi đi lấy chồng, họ phải biết dệt vải lanh. Khi về nhà chồng, mẹ chồng sẽ tặng con dâu một bộ lanh. Cô dâu mới biếu mẹ chồng bộ lanh do mình dệt và khâu. Dệt vải lanh còn thể hiện sự khéo tay, chăm chỉ và trở thành một trong những tiêu chí đánh giá tài năng, phẩm hạnh của người phụ nữ. Người Mông quan niệm, vải lanh giúp gắn kết giữa giữa con cháu với tổ tiên.

1 Vote


Video: Phú Yên in my eye của Phan Xuân Nguyên
ID: 9013
Lời giới thiệu: Phú Yên - miền đất ngọc bên bờ biển xanh biếc của Việt Nam, nơi mà thiên nhiên và con người tương hợp tạo nên một bức tranh đẹp tinh tế. Đặc biệt, Hòn Yến nổi tiếng với bãi cát trắng mịn màng, như một viên ngọc trong lòng biển. Ánh nắng mặt trời chiếu rọi xuống biển xanh, tạo ra một khung cảnh thần tiên với bờ cát dài, sóng biển nhẹ nhàng đùa giỡn. Những con thuyền trên biển như những nét vẽ mộng mơ của biển cả, lướt nhẹ trên mặt nước bạt ngàn. Ngư dân đắm chìm trong công việc đánh bắt, từng nhịp cơ hội và thách thức đánh thức tinh thần phiêu lưu trong họ. Họ là những người bản lĩnh, thách thức sóng biển mỗi ngày để cung cấp cho thực phẩm cho cả một vùng biển rộng lớn. Còn những người nông dân làm muối, họ tận tụy và cận kề mặt đất, biến những cánh đồng muối thành những tấm gương phản chiếu trời xanh. Cảnh tượng của họ đưa ta vào một thế giới bình yên, nơi thời gian trôi qua chậm rãi và mọi thứ đều trong sự hòa quyện hài hòa. Phú Yên - vùng đất thiên nhiên hùng vĩ, nơi tình yêu và lòng dũng cảm của con người gắn liền với biển cả và cát trắng. Mỗi góc cảnh đẹp, mỗi cuộc sống đan xen trong tận tụy, tạo nên một chương trình hoàn hảo về màu sắc và cảm xúc, chinh phục lòng người bằng vẻ đẹp khó cưỡng của mình.

0 Votes


Video: Việt Nam tươi đẹp của Đào Văn Vinh
ID: 25469
Lời giới thiệu: Đoạn clip là tổng hợp của những hình ảnh xuyên suốt Việt Nam theo chiều dài hình chữ S. Từ cảnh rừng núi phía Bắc tới những dải dất ven biển miền Trung nắng gió, theo hướng đi con tàu lửa đi qua điểm đón ánh sáng đầu tiên của Tổ Quốc tới điểm dưới cùng của đất nước thân yêu. Những khung cảnh tự nhiên cũng như cảnh sinh hoạt đời thường của người dân, qua tiết tấu nhanh của giai điệu nhạc như thôi thúc người xem lên kế hoạch cho những hành trình khám phá mới, đến những điểm chưa từng đặt chân tới, để biết được thêm về một Việt Nam hạnh phúc, yêu thương.

0 Votes


Video: BIỂN VIỆT NAM NHÌN TỪ TRÊN CAO của Nguyễn Minh Tân
ID: 19991
Lời giới thiệu: Đất nước ta được thiên nhiên ưu đãi với bờ biển trải dài trên dãi đất hình chữ S từ Bắc vào Nam trù phú và hùng vĩ, một bên là đồi núi chở che một bên là bờ biển với những bãi cát trải dài tươi đẹp và giàu khoáng vật. Phải đi nhiều mới thấy không nơi nào đẹp bằng bờ biển quê hương mình, bờ biển có đoạn đảo núi đá vôi tạo nên cảnh sắc hùng vĩ nhưng lại rất nên thơ như Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long hoặc những đảo, quần đảo tuyệt đẹp như Đảo Lý Sơn, Phú Quốc, Côn Đảo...Có đoạn yên ả với những bờ cát mịn màng phơi mình bên đại đương xanh thẳm từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế, từ Đà Nẵng,đến Nha Trang kéo dài đến Bình Thuận, Vũng Tàu cùng những làng chài yên ả và cư dân chất phác. Càng ngắm nhìn được nhiều cảnh sắc của bờ biển Việt Nam lòng ta càng dâng lên niềm tự hào dân tộc càng trỗi lên mạnh mẽ. Biển mang đến cho dân ta nguồn thủy sản trù phú, dồi dào, những nguồn lợi từ du lịch, biển giúp dất nước thông thương với bè bạn năm châu, biển góp phần phát triển kinh tế và cả tinh thần của người dân Việt. Qua đoạn phim ngắn này, dù chỉ một thoáng với một vài địa danh ngõ hầu giới thiệu khái quát về cảnh quan đồng thời hy vọng góp sức vào việc bảo vệ biển đảo nước nhà.

0 Votes


Video: Lễ Cấp sắc 12 đèn của người Dao đỏ ở Sa Pa, Lào Cai của Dương Quốc Toản
ID: 23592
Lời giới thiệu: Lễ cấp sắc hay còn gọi là lễ lập tịch của người Dao ở Lào Cai, thường được tổ chức từ tháng 10 năm trước đến tháng 2 năm sau. Tuy nghi thức và nội dung tổ chức của mỗi ngành Dao có những đặc điểm khác nhau nhưng đều mang một ý nghĩa chung là lễ trưởng thành cho những người đàn ông trong gia đình. Đó không chỉ là sự trưởng thành về thể chất mà còn là sự trưởng thành về tâm linh, về đạo lý làm người, về vai trò của cá nhân với cộng đồng. Lễ cấp sắc 12 đèn của người Dao đỏ không chỉ có các nghi lễ huyền bí mà còn tạo ra một môi trường diễn xướng, thể hiện các loại hình nghệ thuật: nghệ thuật thẩm mỹ và nghệ thuật tạo hình dân gian. Trải qua Lễ cấp sắc, con người được răn dạy đạo lý uống nước nhớ nguồn, lối sống lành mạnh, có trách nhiệm đối với gia đình và cộng đồng. Nhắc nhở con người không ngừng tu dưỡng bản thân , góp phần vào việc bảo tồn, phát huy và tạo ra một không gian văn hóa cho các giá trị nghệ thuật dân gian, giá trị giáo dục truyền thống của người Dao được duy trì và phát triển bền vững. Với những giá trị ấy, Lễ cấp sắc của người Dao ở Lào Cai đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia./.

1 Vote


Trước 1 2 3 Tiếp