Cuộc thi video – Happy Việt Nam!

Sắp xếp theo

Video: Hãy là một công dân Việt Nam có tâm giúp người Việt trở nên có tầm trên thế giới. của Phan Đặng Bảo Trân
ID: 6418
Lời giới thiệu: Đây là một video sử dụng công nghệ AI chuyển ảnh thật thành ảnh hoạt hình trên nền tảng TikTok. Trông có vẻ là một video không đặc biệt, nhưng câu chuyện đằng sau video đó chứa đựng nhiều cảm xúc trong tôi. Đó là một buổi chiều tà bình thường như mọi ngày. Bất ngờ, trên đường đi, tôi và bạn bắt gặp một chú chó nhỏ nằm bất động bên lề đường. Ngay lập tức, tôi xuống xe kiểm tra sự an toàn của chú chó và điều kém may mắn đã xảy ra rằng chú chó không còn hơi thở. Bẫng đi một nhịp, tôi đã bình tâm lại và gọi cho đội cứu trợ động vật Đà Nẵng. Trong 2 tiếng đợi đội cứu trợ, tôi và bạn tôi đã chụp tấm ảnh trên. Về đến nhà, tôi lấy tấm ảnh đó tham gia một trend trên nền tảng TikTok và không có suy nghĩ gì. Và kết quả đã làm tôi thật sự bất ngờ như video ở trên các bạn đang thấy. Qua câu chuyện này, tôi mong bạn nhận ra được thông điệp của tôi: Hãy là một người tốt, một công dân tốt, đừng thờ ơ vô cảm với thế giới xung quanh bạn, và mọi điều bạn làm đều được nhìn thấy và công nhận, không kể tới một "tín ngưỡng tâm linh" mà bạn tin, quan trọng là chính bạn công nhận bạn, giúp bạn tự tin vào bản thân mình và có động lực để hoàn thiện mình mỗi ngày. Sau cùng, việc tốt của bạn cũng là động lực cho việc tốt của người khác, và rồi đất nước của chúng ta sẽ càng trở nên một đất nước văn hóa - văn minh bởi cả một cộng đồng công dân người Việt tốt.

0 Votes


Video: VỊ CÔNG TÔN NỮ GIỮ HỒN NGHỀ GỐI HOÀNG CUNG của lê tấn thanh
ID: 12634
Lời giới thiệu: Vốn là vị Công Tôn Nữ cuối cùng của triều Nguyễn, cháu nội của Hoài Đức Quận Công Nguyễn Phúc Miên Lâm - con trai thứ 57 của vua Minh Mạng, Cụ Trí Huệ từ năm 17 tuổi đã được tuyển vào cung học và phục vụ may vá, thêu thùa cho Từ Cung hoàng thái hậu - thân mẫu của vua Bảo Đại. Từ đó, Cụ đã bén duyên và trở thành nghệ nhân đặc biệt hiếm hoi còn biết đến nghề may gối “trái dựa”. Đây là loại gối từng được sử dụng phổ biến trong Hoàng Cung để vua, quan triều Nguyễn gối đầu, dựa lưng, hoặc tì cánh tay trong lúc ngồi ngâm thơ, đọc sách. Tìm đến làng quê Hương Cần yên bình dưới cơn mưa phùn của chiều xuân xứ Huế, căn nhà nhỏ cấp bốn của Cụ Trí Huệ thực sự ấm áp bởi ngọn lửa nghề của cả ba thế hệ. Dù nay đã ngoài trăm tuổi và không ít lần vượt "cửa tử", ngày ngày, Cụ vẫn kiên trì lom khom tỉ mẩn luồn từng sợi chỉ, làm từng chiếc gối dựa Hoàng Cung để thể hiện cốt cách của một con người luôn tri ân đối với nghề truyền thống một thời phục vụ cho dòng dõi hoàng tộc. Luôn đau đáu nỗi lo nghề làm gối dựa sẽ thất truyền sau một thời gian dài bẵng đi vì cơm áo gạo tiền, Cụ còn viết tâm thư gửi con cháu và hàn huyên với mọi người về nguyện vọng hồi sinh và lan tỏa nghề truyền thống này. Lắng nghe những câu chuyện từ một chứng nhân lịch sử bằng xương bằng thịt, có lẽ ai cũng sẽ cùng Cụ vỡ òa hạnh phúc khi nghe kể đến lúc có những đơn hàng đầu tiên từ những vị khách yêu văn hóa Huế…

1 Vote


Video: Thu hoạch hoa súng mùa nước nổi của Kiều Nguyên Hiền Triết
ID: 20826
Lời giới thiệu: Mùa bông súng ở Mộc Hóa, Long An rơi vào khoảng tháng 10, tháng 11 Dương lịch hằng năm. Bông súng mùa nước nổi thường có hai loại là súng trồng và súng mọc dại. Loại được người dân trồng sẽ có thân mập mạp, trổ bông to và chiều dài từ 1,5 đến 2m. Còn bông súng mọc dại (hay còn gọi là súng ma) có thân ốm hơn, chiều dài từ 3 đến 6m, bông súng có thân mềm, nhưng lại mang sức sống dẻo dai. Nước dâng cao, bông súng cũng cao theo. Người dân miền Tây, phần lớn là phụ nữ thường thức dậy từ tinh mơ để chèo xuồng ra đồng ngắt bông súng về đem ra chợ bán hay chế biến món ăn như canh chua, lẩu mắm hay chấm mắm kho.

0 Votes


Video: Trồng lanh, dệt vải - bản sắc văn hóa truyền thống của người Mông của lê tấn thanh
ID: 18664
Lời giới thiệu: Từ bao đời nay, nghề trồng lanh, dệt vải luôn gắn bó với phụ nữ đồng bào dân tộc Mông . Những bộ váy, áo của người Mông được dệt từ sợi lanh đã tạo nên sắc màu rực rỡ cho các phiên chợ, là sản phẩm truyền thống đặc sắc thấm đượm tinh hoa văn hóa đồng bào dân tộc Mông . Đối với đồng bào Mông lanh là một biểu tượng văn hóa. Người dân nơi đây vẫn giữ được nghề dệt vải lanh truyền thống với nguyên liệu tự nhiên và quy trình thủ công. Nghề dệt lanh của người Mông mang ý nghĩa hết sức to lớn đối với văn hóa truyền thống dân tộc, là một minh chứng sinh động thể hiện đức tình cần cù, chịu thương chịu khó của đồng bào đã vượt qua mọi khó khăn, khắc nghiệt của tự nhiên để xây dựng đời sống ngày càng tươi đẹp. Con gái Mông khi đến tuổi trưởng thành được gia đình cho đất riêng để trồng lanh. Trước khi đi lấy chồng, họ phải biết dệt vải lanh. Khi về nhà chồng, mẹ chồng sẽ tặng con dâu một bộ lanh. Cô dâu mới biếu mẹ chồng bộ lanh do mình dệt và khâu. Dệt vải lanh còn thể hiện sự khéo tay, chăm chỉ và trở thành một trong những tiêu chí đánh giá tài năng, phẩm hạnh của người phụ nữ. Người Mông quan niệm, vải lanh giúp gắn kết giữa giữa con cháu với tổ tiên.

1 Vote


Video: Mùa cà phê Tây Nguyên của Phan Xuân Nguyên
ID: 8980
Lời giới thiệu: Mùa thu về Tây Nguyên mang theo một sắc màu mới, khi cảnh quan khắp nơi bừng lên với vẻ đẹp độc đáo của mùa thu hoạch cà phê. Như một bức tranh lớn sơn mài, các vùng núi đồi nghiêng của Tây Nguyên tỏa sáng trong tông màu vàng óng ả của những cây cà phê chín rừng rực. Ánh nắng mặt trời thu cùng làn gió nhẹ nhàng tạo nên một bầu không khí dịu dàng, mờ ảo. Mùi thơm dịu nhẹ của hạt cà phê chín tỏa khắp không gian, khiến mỗi hơi thở trở thành một hương thơm của niềm hạnh phúc. Những dải đồi xanh mướt nay được phủ lên bởi những dãy cây cà phê tươi tốt, tạo nên một cảnh quan lôi cuốn như trong những câu chuyện cổ tích. Các nông dân Tây Nguyên, với những chiếc nón lá truyền thống trên đầu, bước đi trên những con đường đất ngập tràn hạnh phúc và nỗi lao động đầy ý nghĩa. Họ tỉ mỉ từng chi tiết, nhặt lựa những hạt cà phê chín tốt nhất, biến từng cảnh vật đơn giản thành một tác phẩm nghệ thuật tự nhiên. Mùa thu hoạch cà phê không chỉ là sự kết hợp hoàn hảo giữa thiên nhiên và con người, mà còn là biểu tượng của sự đậm đà và thịnh vượng. Tại Tây Nguyên, mùa thu không chỉ là một thời kỳ mà còn là một cảm xúc, một tình yêu mãnh liệt dành cho vùng đất này và hạt cà phê đang chờ ngày trở thành những tách cà phê thơm ngon trên bàn ăn của mọi người.

0 Votes


Video: Chân trời mới – sứ mệnh nhân đạo cho tương lai của Vũ Ly Ly
ID: 21991
Lời giới thiệu: Là những bác sĩ trẻ ra trường khi tuổi xuân đang phơi phới, thấm nhuần lời thề Hippocrates, năm 2014 Nguyễn Xuân Quyết và Nguyễn Thị Quỳnh đã tự nguyện viết đơn sang Angola làm việc theo chương trình hợp tác của Bộ Y tế Việt Nam. Để chuẩn bị cho những ngày tháng làm việc tại Angola, Quỳnh và Quyết đã phải mất 1 năm trước đó để chuẩn bị từ việc học tiếng Bồ Đào Nha, kỹ năng sinh tồn trong môi trường địa lý, thời tiết khắc nghiệt, hay dịch bệnh xảy đến... Hình ảnh hai bác sĩ trẻ Việt Nam làm việc cứu người nơi đây, khiến cho nhiều người dân Angola yêu mến và cảm phục. Và ngược lại, chính tình yêu thương, sự tin tưởng của người bệnh, của cộng đồng người Việt Nam ở nước sở tại dành cho đã trở thành động lực và niềm hạnh phúc cho hai bác sĩ trẻ. Những người dân nơi này có lẽ sẽ có rất ít cơ hội được đến với Việt Nam, một quốc gia ở rất xa Angola - Châu Phi. Nhưng Việt Nam, đối với họ, là những người bạn, như bác sĩ Nguyễn Xuân Quyết và Nguyễn Thị Quỳnh. Chân trời mới – sứ mệnh nhân đạo cho tương lai của anh chị đang phủ thêm màu xanh, nuôi dưỡng những cây non, tỏa bóng mát và đem lại mỗi giây phút bình yên cho Angola.

0 Votes


Video: Lễ Cấp sắc 12 đèn của người Dao đỏ ở Sa Pa, Lào Cai của Dương Quốc Toản
ID: 23592
Lời giới thiệu: Lễ cấp sắc hay còn gọi là lễ lập tịch của người Dao ở Lào Cai, thường được tổ chức từ tháng 10 năm trước đến tháng 2 năm sau. Tuy nghi thức và nội dung tổ chức của mỗi ngành Dao có những đặc điểm khác nhau nhưng đều mang một ý nghĩa chung là lễ trưởng thành cho những người đàn ông trong gia đình. Đó không chỉ là sự trưởng thành về thể chất mà còn là sự trưởng thành về tâm linh, về đạo lý làm người, về vai trò của cá nhân với cộng đồng. Lễ cấp sắc 12 đèn của người Dao đỏ không chỉ có các nghi lễ huyền bí mà còn tạo ra một môi trường diễn xướng, thể hiện các loại hình nghệ thuật: nghệ thuật thẩm mỹ và nghệ thuật tạo hình dân gian. Trải qua Lễ cấp sắc, con người được răn dạy đạo lý uống nước nhớ nguồn, lối sống lành mạnh, có trách nhiệm đối với gia đình và cộng đồng. Nhắc nhở con người không ngừng tu dưỡng bản thân , góp phần vào việc bảo tồn, phát huy và tạo ra một không gian văn hóa cho các giá trị nghệ thuật dân gian, giá trị giáo dục truyền thống của người Dao được duy trì và phát triển bền vững. Với những giá trị ấy, Lễ cấp sắc của người Dao ở Lào Cai đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia./.

1 Vote


Trước 1 2 3 Tiếp