Cuộc thi ảnh – Happy Vietnam 2024!

Lọc theo
Sắp xếp theo

Tác phẩm: "Vẽ cờ"
ID: 593650
Tác giả: Nguyễn Trâm Anh
Lời giới thiệu: “Là người Việt tạo ra đất nước Việt Nam, hay đất nước Việt Nam tạo ra những người Việt?” Hà Nội, một tối đầu tháng chín. Tôi dắt em đi bộ về nhà, sau khi hai chị em tôi lang thang qua hết mấy vòng Hồ Tây nhộn nhịp. Chả là, lâu lâu chúng tôi mới có thời gian nghỉ học, mà thằng em tôi thì lại chỉ đam mê nào là tô tượng, tô màu vẽ, tô tranh cát, nên tôi cũng đành chiều nó đến tận khi đèn đường sáng mới chịu về. Hôm nay là ngày Quốc khánh, vì thế mà thủ đô này cũng có phần đông đúc hơn, rực rỡ dưới sắc cờ đỏ dọc dãy phố. - “Chị ơi! Em muốn mua tranh màu đằng kia.” Bỗng thằng em tôi kéo cánh tay khiến tôi khẽ giật mình. Thằng bé chỉ vào một bà cụ ngồi bên đường, trên đùi bà đặt một loạt các tranh giấy in trắng cùng các bút màu vẽ đặt bên cạnh. Em dùng sức kéo mạnh tôi tiến tới chỗ bà cụ, nhìn qua tôi mới để ý rằng những tranh vẽ bà cầm đều toàn hình lá cờ Việt Nam - có cái đã tô hết, có cái còn đang tô giở và mới tinh. - “Không được đâu! Em đã mua rất nhiều tranh trong hôm nay rồi. Bây giờ cũng muộn rồi, nếu không về nhanh mẹ sẽ mắng đấy!” - tôi quay sang lắc đầu nói to với thằng bé, cùng lúc kéo tay nó đi thẳng về phía nhà. Ấy vậy mà ngay thời điểm đó, tôi đã không nghĩ rằng cuộc trò chuyện của hai chị em tôi đã bị bà cụ nghe thấy. Bà gọi với lại chúng tôi: - “Cái này không mất phí đâu cháu ơi! Miễn phí đấy, miễn phí! Cháu cầm về nhà rồi tô sau cũng được, không mất nhiều thời gian đâu!” Bà nói với chúng tôi bằng chất giọng cao đầy cởi mở, cũng chẳng có chút ép buộc nào rằng chúng tôi phải đến xem những tờ tranh vẽ đó. Nghe thấy vậy, em tôi lại càng được đà kéo tôi lại gần bà cụ: - "Đấy chị, không mất nhiều thời gian đâu. Đi mà!" Tôi chẳng còn cách nào để nói không với thằng bé, và cả ánh nhìn đầy nhân hậu của bà cụ nhìn về phía tôi. Tôi đành chậm rãi tới lại gần, khom lưng mình xuống nhìn ngắm thật kĩ những bức tranh. - "Bà ơi! Bà bán tranh hình lá cờ để mừng ngày Quốc khánh hả bà?" - tôi hỏi. Bà cười lớn, đáp lại tôi: - "Không phải đâu cháu, bà không bán tranh! Bà tặng thôi, tặng lại đất nước. Mà không phải chỉ trong mỗi ngày quốc khánh, ngày nào bà cũng mang vài tranh ra gửi mấy em nhỏ giữ hộ. Vui lắm!" Tôi chưa hiểu lắm những gì bà vừa nói. - "Bà tặng lại đất nước ạ? Có nghĩa là tranh hình đất nước hả bà? Nhưng chẳng phải tranh nào cũng giống nhau hay sao, tất cả đều chỉ dùng màu đỏ và vàng vẽ lá cờ. Cháu nghĩ nếu trẻ con dùng màu giống nhau mãi sẽ nhanh chán bà ạ." - tôi đáp lại, đó chính xác là những gì tôi đã thắc mắc ngay từ lần đầu nhìn thấy những bức tranh. Bà nhìn tôi. Trong mắt bà, phải chăng đã lường trước được câu hỏi của tôi từ rất lâu rồi. Bà chẳng nói gì một lúc, chỉ đưa mắt nhìn qua những lá cờ đã tô xong trong lòng mình, bà nhẹ nhàng nói với tôi: - "Dùng mãi một màu giống nhau, đúng là sẽ nhanh chán. Nhưng nếu cách vẽ mỗi lần khác nhau, bà nghĩ có sự khác biệt. Chỉ là, mỗi đứa trẻ đều sẽ bắt đầu từ một lá cờ trắng, chúng chẳng biết màu vàng chỗ nào, màu đỏ từ đâu. Nhưng nếu người đưa giấy cho chúng chỉ cho chúng, rằng màu đỏ từ đây này, và màu vàng ở đấy đấy, chúng sẽ biết rằng lá cờ của ta có màu vàng và đỏ, và cuối cùng sẽ làm mọi cách khác nhau để hoàn thiện lá cờ màu vàng và đỏ. Chúng vẽ theo cách của riêng mình, nhưng là cùng vẽ chung một đất nước!" Tôi sững người, chỉ là những điều bà vừa đã vượt ra khỏi những gì tôi có thể nghĩ đến. - “Cháu thấy đằng kia đấy! Có thật nhiều lá cờ được treo lên, nhưng sẽ tốt hơn nếu cháu tô được lá cờ của riêng mình. Lá cờ mà tự cháu vẽ lấy, không phải để treo lên cho người ta thấy, mà là để cháu giữ cho riêng mình, để tự tìm ra và định nghĩa nó. Đối với chính cháu, như thế nào, là Việt Nam?” ... Và đó là những lời cuối cùng tôi còn nhớ, kể từ ngày Quốc khánh đặc biệt mà tôi gặp bà cụ. Những lời mà bà nói với tôi và những lá cờ đang tô giở của bà, có lẽ còn nhiều hơn cả một món quà tôi có thể nhận được từ một người xa lạ. Những đứa trẻ như tôi, như bạn, lớn lên và tô màu lên những lá cờ trắng. Cái gọi là văn hoá “Vẽ cờ”, thật ra là cách một người có quốc tịch Việt Nam lớn lên và "học" cách trở thành một người Việt Nam. Hình dạng một lá cờ được tạo ra để định nghĩa một đất nước, nhưng đất nước đó được định nghĩa như thế nào với bạn mới thật sự quan trọng. "Vẽ cờ", chính là vẽ tiếp một đất nước - đất nước của chung, từ bàn tay của bạn. Vậy thì cuối cùng, "Là người Việt tạo ra đất nước Việt Nam, hay đất nước Việt Nam tạo ra những người Việt?" Dưới dòng chảy của những cái “ngày mai”, thế hệ nối tiếp thế hệ. Tôi thấy một đất nước Việt Nam sẽ tiếp tục tạo ra những người Việt Nam, và những người Việt ấy sẽ cùng nhau gìn giữ quốc gia Việt Nam.

0 Votes


Tác phẩm: Du Khách Nước Ngoài Trải Nghiệm Làm Xôi Ngũ Sắc Cùng Đồng Bào Dân Tộc Mường Long Cốc
ID: 602513
Tác giả: HÀ VĂN LUẬN
Lời giới thiệu: Du Khách Nước Ngoài Trải Nghiệm Làm Xôi Ngũ Sắc Cùng Đồng Bào Dân Tộc Mường tại Xã Long Cốc,Huyện Tân Sơn,Tỉnh Phú Thọ Gọi là xôi ngũ sắc vì xôi thường có 5 màu: trắng, đỏ, xanh, tím, vàng.Để làm ra được món xôi ngũ sắc thơm, dẻo, ngon, phụ nữ Mường cẩn thận từ khâu chọn nếp, nguyên liệu tạo màu đến việc đồ xôi. Gạo nếp được chọn là loại hạt to, trong, trồng trên nương. Công đoạn tạo màu cho xôi rất quan trọng và cầu kỳ. Ngoài màu trắng là màu tự nhiên của gạo, những màu xanh, đỏ, tím, vàng được tạo từ các loại hoa, lá, củ trong tự nhiên. Thường dùng nhất vẫn là lá. Lá được chọn kỹ lưỡng, không quá non hay quá già, đun lấy nước màu. Để tạo màu đỏ, người Mường dùng lá cây có tên lá nếp đỏ. Ngoài ra, phụ nữ Mường cũng dùng quả gấc chín làm màu xôi đỏ. Màu tím thì dùng lá nếp tím (lá nếp cẩm). Xôi màu vàng được tạo từ củ nghệ già giã nhỏ pha với nước ngâm gạo. Người Mường thường giã lá gừng hoặc lá dứa, vắt lấy nước cốt để tạo màu xanh cho xôi. Khi đã có nước màu, gạo nếp được cho vào ngâm khoảng 1 đến 8 tiếng rồi vớt ra để ráo nước.Gạo ráo nước sẽ được đồ trong cuốp. Có thể nấu riêng từng màu hoặc cho lần lượt các màu theo thứ tự tím - xanh - đỏ - vàng và trên cùng là màu trắng. Mỗi màu gạo cách nhau bởi một lớp lá chuối hoặc tấm tre đan. Quá trình nấu phải canh lửa đều, đượm than. Nhờ đó xôi chín bằng hơi, mềm dẻo, cầm nắm mà vẫn không bị dính tay. Tùy vào màu nước và thời gian ngâm gạo mà khi chín, màu xôi sẽ đậm nhạt khác nhau. Màu của các loại lá, củ không những tạo sự bắt mắt mà còn tăng thêm mùi thơm, hương vị đặc biệt cho từng loại xôi. Các màu trắng, xanh, tím, đỏ, vàng của xôi tượng trưng cho ngũ hành: Kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Mỗi màu sắc cũng mang ý nghĩa riêng, là cách nhìn nhận về thế giới xung quanh và khát vọng cuộc sống của người Mường. Xôi màu đỏ tượng trưng cho khát vọng vươn lên. Xôi màu tím tượng trưng cho sự trù phú của Trái đất. Xôi màu vàng tượng cho sự ấm no. Xôi màu xanh tượng trưng màu sắc núi rừng. Xôi màu trắng tượng trưng cho tình yêu trong trắng, thủy chung. Tổng hòa món xôi ngũ sắc là khát vọng, mong muốn sự trọn vẹn, no đủ và đầm ấm, hạnh phúc. Người Mường dùng món xôi ngũ sắc dâng cúng tổ tiên, thần linh để bày tỏ lòng tôn kính và cảm tạ trời đất đã ban cho mùa màng bội thu. Xôi ngũ sắc không chỉ ngon, bắt mắt mà còn chứa đựng những vị thuốc dân gian được đúc kết từ bao đời. Theo kinh nghiệm của người Mường cho rằng, các loại lá, củ tạo màu xôi còn có tác dụng hỗ trợ tiêu hóa, tốt cho đường ruột, bồi bổ sức khỏe.

0 Votes


Trước 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 Tiếp