Cuộc thi ảnh – Happy Vietnam 2024!

Lọc theo
Sắp xếp theo

Tác phẩm: "Vẽ cờ"
ID: 605874
Tác giả: Nguyễn Trâm Anh
Lời giới thiệu: “Là người Việt tạo ra đất nước Việt Nam, hay đất nước Việt Nam tạo ra những người Việt?” Hà Nội, một tối đầu tháng chín. Tôi dắt em đi bộ về nhà, sau khi hai chị em tôi vui chơi hết mấy vòng Hồ Tây nhộn nhịp. Chả là, lâu lâu chúng tôi mới có thời gian nghỉ học, mà thằng em tôi thì lại chỉ đam mê nào là tô tượng, tô màu vẽ, tô tranh cát, nên tôi cũng đành chiều nó đến tận khi đèn đường sáng mới chịu về nhà. Hôm nay là ngày quốc khánh, vì thế mà Hà Nội của tôi cũng có phần đông đúc hơn, rực rỡ dưới sắc cờ đỏ dọc các phố. - “chị ơi! em muốn mua tranh màu đằng kia.” Bỗng thằng em tôi kéo cánh tay khiến tôi khẽ giật mình. Thằng bé chỉ vào một bà cụ ngồi bên đường, trên đùi bà đặt một loạt các tranh giấy in trắng cùng các bút màu vẽ đặt bên cạnh. Em dùng hết sức kéo mạnh tôi tiến tới chỗ bà cụ, nhìn qua tôi mới để ý rằng những tranh vẽ bà cầm đều toàn hình lá cờ Việt Nam - có cái đã tô hết, có cái còn đang tô giở và mới tinh. - “Không được đâu! Em đã mua rất nhiều tranh trong hôm nay rồi. Bây giờ cũng muộn rồi, nếu không về nhanh mẹ sẽ mắng đấy!” - tôi quay sang nói to với thằng bé, cùng lúc kéo tay nó đi thẳng về phía nhà. Có lẽ ngay thời điểm đó, tôi đã không nghĩ rằng cuộc trò chuyện của hai chị em tôi đã bị bà cụ nghe thấy. Bà ngay lập tức gọi với lại chúng tôi: - “Cái này không mất phí đâu cháu ơi! Miễn phí đấy, miễn phí! Cháu cầm về nhà rồi tô sau cũng được, không mất nhiều thời gian đâu!” Bà nói với chúng tôi bằng chất giọng cao mà thân thiện, chẳng có chút ép buộc nào rằng chúng tôi phải đến xem những tờ tranh vẽ đó. Nghe thấy vậy, em tôi lại càng được đà kéo tôi lại gần bà cụ: - "Đấy chị, không mất nhiều thời gian đâu. Đi mà!" Tôi cũng chẳng còn cách nào để nói không với thằng bé, và cả ánh nhìn đầy nhân hậu của bà cụ. Tôi tiến tới lại gần, cúi người xuống để nhìn kĩ những bức tranh hơn. - "Bà ơi! Bà bán tranh hình lá cờ để mừng ngày quốc khánh hả bà?" - tôi hỏi. Bà cười lớn, đáp lại tôi: - "Không phải đâu cháu, bà không bán tranh! Bà tặng thôi, tặng lại đất nước. Mà không phải chỉ trong mỗi ngày quốc khánh, ngày nào bà cũng mang vài tranh ra gửi mấy em nhỏ giữ hộ. Vui lắm!" Tôi chưa hiểu lắm những gì bà vừa nói. - "Bà tặng lại đất nước ạ? Có nghĩa là tranh hình đất nước hả bà? Nhưng chẳng phải tranh nào cũng giống nhau hay sao, tất cả đều chỉ dùng màu đỏ và vàng cho ngôi sao và lá cờ. Cháu nghĩ nếu trẻ con dùng màu giống nhau mãi sẽ nhanh chán, bà ạ." - tôi đáp lại, chỉ muốn nói ra những thắc mắc của mình. Bà nhìn tôi. Trong ánh mắt bà, phải chăng đã lường trước được câu hỏi của tôi từ rất lâi rồi. Bà chẳng nói gì một lúc, chỉ đưa mắt nhìn qua những lá cờ đã hoàn thiện trong lòng mình, bà nói: - "Dùng mãi một màu giống nhau, đúng là sẽ nhanh chán. Nhưng nếu cách vẽ mỗi lần khác nhau, bà nghĩ có sự khác biệt. Chỉ là, mỗi đứa trẻ đều sẽ bắt đầu từ một cờ trắng, chúng chẳng biết màu vàng chỗ nào, màu đỏ từ đâu. Nhưng nếu người đưa giấy trắng cho chúng chỉ cho chúng, rằng màu đỏ từ đây này, và màu vàng ở đấy đấy, chúng sẽ biết rằng lá cờ có màu vàng và đỏ, và cuối cùng sẽ làm mọi cách khác nhau để hoàn thiện lá cờ màu vàng và đỏ. Chúng vẽ theo cách của mình, nhưng là cùng nhau vẽ lại đất nước!" Tôi sững người, chỉ là những điều bà vừa đã vượt ra khỏi những gì tôi có thể nghĩ đến. - “Cháu nhìn kìa. Có thật nhiều lá cờ được treo lên đằng kia, nhưng sẽ tốt hơn nếu cháu tô được lá cờ của riêng mình. Lá cờ mà tự cháu vẽ lấy, không phải để treo lên cho người ta thấy, mà là để cháu giữ cho riêng mình, để tự tìm ra và định nghĩa nó. Đối với chính cháu, như thế nào, là Việt Nam?” ... Và đó là những lời cuối cùng tôi còn nhớ, kể từ ngày quốc khánh tôi gặp bà cụ. Những lời mà bà nói với tôi và những lá cờ đang tô giở của bà, có lẽ còn nhiều hơn cả một món quà tôi có thể nhận từ một người xa lạ. Những đứa trẻ như tôi, như bạn, lớn lên và tô màu lên những lá cờ trắng. Cái gọi là văn hoá “Vẽ cờ”, thật ra là cách một người có quốc tịch Việt Nam lớn lên và trở thành một người Việt Nam. Hình dạng một lá cờ được tạo ra để định nghĩa một đất nước, nhưng đất nước đó được định nghĩa như thế nào với bạn mới thật sự quan trọng. "Vẽ cờ", chính là vẽ tiếp một đất nước - đất nước của chung, từ bàn tay của bạn. Vậy thì cuối cùng, "là người Việt tạo ra đất nước Việt Nam, hay đất nước Việt Nam sẽ tạo ra những người Việt?" Dưới dòng chảy của những cái “ngày mai”, tôi thấy một đất nước Việt Nam sẽ tiếp tục tạo ra những người Việt Nam, và những người Việt ấy sẽ cùng nhau gìn giữ quốc gia Việt Nam, lá cờ Việt Nam.

0 Votes


Tác phẩm: Một chút yêu thương
ID: 591704
Tác giả: Đỗ Nguyễn Phương Linh
Lời giới thiệu: Tôi tên là Đỗ Nguyễn Phương Linh, hiện đang là giáo viên dạy tại Trường Tiểu học Tân Phú - Huyện Vĩnh Cửu - Tỉnh Đồng Nai. Thông điệp: Nhân dân ta có câu: “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Mỗi lần nghe hoặc thấy đâu đó câu nói này, tôi lại có cảm giác bồi hồi và suy ngẫm về những mảnh đời kém may mắn trong cuộc sống. Đã rất nhiều lần tôi thầm trộm nghĩ, tại sao cùng là con người với nhau, có người sinh ra lại ăn no mặc ấm, có người lại phải chật vật vì miếng ăn? Ăn để sống nhưng sống lại cứ cần phải ăn, một vòng tuần hoàn khiến bao người phải mỏi mệt? Bản thân tôi là một sinh viên mới ra trường. Thật may mắn hơn biết bao người tôi đã có công việc ổn định, cuộc sống cũng không giàu sang nhưng đủ ăn, đủ mặc. Nhìn lại ngoài kia có vô vàn những số phận bất hạnh trong cuộc sống, ngay cả một bữa ăn cũng trở thành vấn đề to tát với họ thì liệu hằng ngày họ đã phải chịu đựng sống vì cái gì đây? Mà cái ăn quý lắm chứ, lúc đói, lúc khổ cùng cực thì được ăn một ít đã thấy hạnh phúc không gì bằng rồi. Với nhiệt huyết của tuổi trẻ và sự cảm thông với những mảnh đời cơ cực, tôi cùng các bạn của mình đã tự quyên góp với nhau rồi làm những bữa ăn, những phần bánh sữa để gửi đến các em nhỏ, người dân khó khăn, người vô gia cư trên địa bàn thành phố Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai. Trên đây là bức hình các bạn tôi vô tình chụp lại khi tôi đang trao cho em bé này phần bánh sữa. Hai tay em bé ôm chặt lấy phần bánh sữa và gật đầu ạ tôi rối rít. Khi về nhà, tôi coi lại được ảnh này thì tôi thấy rất xúc động. Nhân dịp có cuộc thi Việt Nam Hạnh phúc này, tôi muốn lan toả đến mọi người rằng: Khi chúng ta biết yêu thương giúp đỡ người khác cũng là lúc bản thân biết yêu thương, đồng cảm với những hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh, biết yêu thương lấy chính bản thân mình. Và hơn nữa, điều chúng ta nhận lại được sau mỗi hành động cao quý ấy chính là sự tôn trọng, yêu quý từ mọi người xung quanh. Sợi dây yêu thương sẽ gắn kết mỗi cá nhân lại gần nhau hơn và khiến cho cuộc sống này thêm phần ý nghĩa.

0 Votes


Tác phẩm: Múa rối nước ở Thủy đình làng Rạch!
ID: 34932
Tác giả: Trương Công Hiệp
Lời giới thiệu: Làng Rạch, xã Hồng Quang, huyện Nam Trực, Nam Định, là một trong những nơi nổi tiếng với truyền thống múa rối nước độc đáo. Múa rối nước ở đây không chỉ là một hình thức giải trí truyền thống mà còn là di sản văn hóa độc đáo của cộng đồng. Múa rối nước tại làng Rạch không chỉ đơn thuần là sự biểu diễn mà còn chứa đựng những giá trị văn hóa sâu sắc. Những con rối được chế tác tỉ mỉ, với mỗi con rối mang một hình dáng, một câu chuyện riêng, thường lấy cảm hứng từ văn hóa, lịch sử và truyền thuyết dân gian. Đặc biệt, múa rối nước ở thủy đình làng Rạch thường diễn ra trong không gian thiên nhiên, với nền nhạc truyền thống và ánh đèn lấp lánh. Qua múa rối, người xem không chỉ được thưởng thức nghệ thuật đặc sắc mà còn trải nghiệm sự gần gũi với tự nhiên và văn hóa dân gian của địa phương. Với sự kỳ công và đam mê của những nghệ nhân làng Rạch, múa rối nước đã trở thành một nét đặc trưng, góp phần làm nên vẻ đẹp văn hóa truyền thống và là điểm đến hấp dẫn cho du khách muốn khám phá nét đặc trưng của văn hóa dân gian Việt Nam.

1 Vote


Trước 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 Tiếp