Cuộc thi ảnh – Happy Vietnam 2024!

Lọc theo
Sắp xếp theo

Tác phẩm: Dịu dàng sắc xuân
ID: 601021
Tác giả: Trần Đức Hạnh
Lời giới thiệu: Nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, chương trình “Tết Việt – Tết phố 2024” do Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội phối hợp cùng các đơn vị, cá nhân tổ chức tại đình Kim Ngân (Hà Nội).Tại chương trình “Tết Việt – Tết phố 2024”, Ban Tổ chức đã phỏng dựng nhiều nghi lễ đặc sắc của Tết Phố cổ Hà Nội. Điểm nhấn trong chương trình, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội phối hợp với các nhà nghiên cứu văn hóa tổ chức phỏng dựng các nghi lễ truyền thống như: Đoàn rước dâng lễ cửa Đình, Lễ cáo yết Thành Hoàng và cúng Tổ nghề, Lễ dựng cây Nêu… Đây là hoạt động nâng cao nhận thức về bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, góp phần thúc đẩy phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch và quảng bá hình ảnh khu vực hồ Hoàn Kiếm, khu phố cổ nói riêng và Thủ đô Hà Nội nói chung. Cầm trên tay cành đào tươi thắm, Trần Hà An (sinh năm 2009) tham gia đoàn rước lễ cho biết: "Em rất yêu văn hóa truyền thống , đặc biệt là áo dài Việt Nam nên việc có mặt và khoác trên mình tà áo truyền thống trong đoàn rước hôm nay em cảm thấy rất vinh dự".

0 Votes


Tác phẩm: Giã gạo
ID: 602722
Tác giả: Dương Hoài An
Lời giới thiệu: Để làm ra hạt gạo, người Tây Nguyên dùng cối giã. Cối giã gạo được làm từ một khúc gỗ lớn cỡ người ôm, khoét thành bộng sâu. Cối của người Jrai trên miệng to loe ra, dưới đáy thắt nhỏ chụm. Ngược lại, cối của người Bahnar phần đáy thường nở rộng, phần miệng thu nhỏ dần. Cái chày thường được làm bằng gỗ kơ nia để đảm bảo độ cứng, thớ gỗ mịn chắc không tách, không vỡ, không xơ. Đó là khúc cây kơ nia thẳng đuột có đoạn giữa tầm vừa hai bàn tay nắm chặt, một đầu gốc to hơn, đầu ngọn nhỏ dần tóp lại. Là kiểu chày bất đối xứng. Chiều dài chày giã gạo cao vừa tầm người. Chày sau khi chặt đẽo còn tươi thì ngâm bùn non một thời gian cho thâm đen, vớt lên rửa sạch, dựng bên bếp hoặc gác dưới sàn nhà cho khô, tránh phơi nắng trực tiếp. Chày giã gạo của người Tây Nguyên để luôn cả đoạn cây mang tính tự nhiên, phần giữa không đẽo eo như người Kinh. Giã một thời gian, chày trở nên đen bóng. Vì không có cối xay, không có công đoạn xay lúa nên khi giã gạo, người Tây Nguyên cho luôn hạt lúa vào cối, dùng đầu chày nhỏ giã cho bong vỏ trấu, sau đó trở đầu to để giã bong cám sạch gạo.

0 Votes


Tác phẩm: Chênh vênh
ID: 591725
Tác giả: Lê Anh Tuấn
Lời giới thiệu: Cầu tre Cẩm Đồng nối từ thôn Cẩm Phú sang bãi bồi Gò Đình nằm giữa sông Thu Bồn, thuộc thị xã Điện Bàn, Quảng Nam, là chiếc cầu đặc biệt ở vùng đồng bằng xứ Quảng được người dân tự làm hoàn toàn bằng tre. Chiếc cầu tre Cẩm Đồng dài hàng chục mét, rộng chưa tới 1m, khá cao so với mặt nước, có tay vịn một bên, trông rất chênh vênh giữa dòng sông nhưng lại là con đường độc đạo cho người dân di chuyển hàng ngày để trồng cấy, thu hoạch hoa màu bên bãi bồi. Dù cầu tre thiếu kiên cố nhưng tiện hơn, nhanh hơn việc đi đò nên người dân nơi đây đã góp tiền, góp sức làm cầu để đi lại hàng chục năm nay. Khi hoàng hôn buông xuống mặt nước cũng là lúc những người nông dân trở về nhà sau một ngày lao động. Và cứ thế, cầu tre Cẩm Đồng dần dần trở thành một địa chỉ nổi tiếng với du khách, đặc biệt là khách nước ngoài, bởi những khoảnh khắc đẹp như tranh vẽ của nó. Bên con sông và cây cầu đơn sơ ấy, những đôi bàn chân vẫn ngày ngày qua sông, lao động cần mẫn. Và chiếc cầu tre vẫn ngày ngày dập dìu theo từng bước chân người nông dân, như một người bạn trong đời sống của người dân xứ Cẩm Đồng.

0 Votes


Trước 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 Tiếp