Cuộc thi ảnh – Happy Vietnam 2024!

Lọc theo
Sắp xếp theo

Tác phẩm: TRÙNG TRÙNG ĐIỆP ĐIỆP
ID: 588571
Tác giả: Nguyễn Văn Tiệp
Lời giới thiệu: Lục Khu là nơi còn khó khăn của huyện Hà Quảng (Cao Bằng), nhưng khi đến đây, du khách sẽ được ngắm những ngọn núi có độ cao và hình dáng khá đồng đều, lạ mắt. Đặc biệt vào sáng sớm thường hay có biển mây mênh mông trắng muốt đẹp tinh khôi. Để đến Lục Khu săn mây từ sáng sớm, nếu từ thành phố sẽ mất khoảng hai giờ đi xe máy. Trên đường đi bạn sẽ phải để số thấp liên tục vì nơi đây khá cao, suốt chặng đường dài là dốc khá khiến cho chiếc xe gằn một hơi dài. Càng lên cao, khung cảnh hùng vĩ dần hiện ra, đó là những làn sương huyền ảo phủ kín đường, những ánh lửa lập lòe chiếu bên triền núi cùng chút khói trắng khiến không gian trở nên bớt lạnh lẽo cô độc. Trước kia, vì địa hình cao, nhiều hang đá, thiếu nước nên bà con sống rất khó khăn. Giờ đây, nông nghiệp thuận lợi, hệ thống các bể chứa nước lớn đã cải thiện cho người dân rất nhiều. Nhắc đến núi đá, có lẽ là “đặc sản” nơi đây nhưng điều kỳ lạ là núi như được nhân bản ra nhiều lần. Chúng như những “quả nấm” khổng lồ mọc lên chi chít sau cơn mưa đầu mùa thu. Vượt qua những lớp sương dày đặc ở độ cao hơn 300m, tôi chọn một vị trí bằng phẳng ngồi ngắm khung cảnh và định hướng góc cho chiếc flycam bay lên. Đúng như dự đoán, đó là một biển mây rộng lớn. Những tầng mây nhỏ vờn quanh triền núi chỉ để lộ chút đỉnh, còn lên cao hơn nữa là mênh mông mây trời khiến bất cứ ai có dịp được chiêm ngưỡng cũng cảm thấy nao lòng. Mặt trời lên, những đám mây tan dần, ánh sáng sớm của mặt trời chiếu xiên qua những vách núi, tán cây tạo nên không gian huyền ảo. Đó cũng là lúc bà con bắt đầu xuống chợ bán nông sản. Bà con người H’Mông đi chợ là cảnh khá quen thuộc, nhưng luôn khiến các du khách ở xa muốn khám phá điều bí mật đằng sau chiếc gùi trên lưng mỗi người. Xen trong những người đang hối hả bày biện là những gian hàng nhỏ bé với vài món hàng bình dị đậm chất quê miền núi. Nhìn những em nhỏ được cha mẹ dẫn đi chợ sớm ăn bát phở nóng hổi, ngon lành, tôi như thấy ngon miệng chung với tuổi thơ của những đứa trẻ lớn lên ở miền núi. Tôi nhận ra mình thật may mắn vì không chỉ được săn mây trên mảnh đất đá núi hoang sơ này mà còn chụp được những tấm hình đời thường thật nhiều mầu sắc.

0 Votes


Tác phẩm: "Vẽ cờ"
ID: 605874
Tác giả: Nguyễn Trâm Anh
Lời giới thiệu: “Là người Việt tạo ra đất nước Việt Nam, hay đất nước Việt Nam tạo ra những người Việt?” Hà Nội, một tối đầu tháng chín. Tôi dắt em đi bộ về nhà, sau khi hai chị em tôi vui chơi hết mấy vòng Hồ Tây nhộn nhịp. Chả là, lâu lâu chúng tôi mới có thời gian nghỉ học, mà thằng em tôi thì lại chỉ đam mê nào là tô tượng, tô màu vẽ, tô tranh cát, nên tôi cũng đành chiều nó đến tận khi đèn đường sáng mới chịu về nhà. Hôm nay là ngày quốc khánh, vì thế mà Hà Nội của tôi cũng có phần đông đúc hơn, rực rỡ dưới sắc cờ đỏ dọc các phố. - “chị ơi! em muốn mua tranh màu đằng kia.” Bỗng thằng em tôi kéo cánh tay khiến tôi khẽ giật mình. Thằng bé chỉ vào một bà cụ ngồi bên đường, trên đùi bà đặt một loạt các tranh giấy in trắng cùng các bút màu vẽ đặt bên cạnh. Em dùng hết sức kéo mạnh tôi tiến tới chỗ bà cụ, nhìn qua tôi mới để ý rằng những tranh vẽ bà cầm đều toàn hình lá cờ Việt Nam - có cái đã tô hết, có cái còn đang tô giở và mới tinh. - “Không được đâu! Em đã mua rất nhiều tranh trong hôm nay rồi. Bây giờ cũng muộn rồi, nếu không về nhanh mẹ sẽ mắng đấy!” - tôi quay sang nói to với thằng bé, cùng lúc kéo tay nó đi thẳng về phía nhà. Có lẽ ngay thời điểm đó, tôi đã không nghĩ rằng cuộc trò chuyện của hai chị em tôi đã bị bà cụ nghe thấy. Bà ngay lập tức gọi với lại chúng tôi: - “Cái này không mất phí đâu cháu ơi! Miễn phí đấy, miễn phí! Cháu cầm về nhà rồi tô sau cũng được, không mất nhiều thời gian đâu!” Bà nói với chúng tôi bằng chất giọng cao mà thân thiện, chẳng có chút ép buộc nào rằng chúng tôi phải đến xem những tờ tranh vẽ đó. Nghe thấy vậy, em tôi lại càng được đà kéo tôi lại gần bà cụ: - "Đấy chị, không mất nhiều thời gian đâu. Đi mà!" Tôi cũng chẳng còn cách nào để nói không với thằng bé, và cả ánh nhìn đầy nhân hậu của bà cụ. Tôi tiến tới lại gần, cúi người xuống để nhìn kĩ những bức tranh hơn. - "Bà ơi! Bà bán tranh hình lá cờ để mừng ngày quốc khánh hả bà?" - tôi hỏi. Bà cười lớn, đáp lại tôi: - "Không phải đâu cháu, bà không bán tranh! Bà tặng thôi, tặng lại đất nước. Mà không phải chỉ trong mỗi ngày quốc khánh, ngày nào bà cũng mang vài tranh ra gửi mấy em nhỏ giữ hộ. Vui lắm!" Tôi chưa hiểu lắm những gì bà vừa nói. - "Bà tặng lại đất nước ạ? Có nghĩa là tranh hình đất nước hả bà? Nhưng chẳng phải tranh nào cũng giống nhau hay sao, tất cả đều chỉ dùng màu đỏ và vàng cho ngôi sao và lá cờ. Cháu nghĩ nếu trẻ con dùng màu giống nhau mãi sẽ nhanh chán, bà ạ." - tôi đáp lại, chỉ muốn nói ra những thắc mắc của mình. Bà nhìn tôi. Trong ánh mắt bà, phải chăng đã lường trước được câu hỏi của tôi từ rất lâi rồi. Bà chẳng nói gì một lúc, chỉ đưa mắt nhìn qua những lá cờ đã hoàn thiện trong lòng mình, bà nói: - "Dùng mãi một màu giống nhau, đúng là sẽ nhanh chán. Nhưng nếu cách vẽ mỗi lần khác nhau, bà nghĩ có sự khác biệt. Chỉ là, mỗi đứa trẻ đều sẽ bắt đầu từ một cờ trắng, chúng chẳng biết màu vàng chỗ nào, màu đỏ từ đâu. Nhưng nếu người đưa giấy trắng cho chúng chỉ cho chúng, rằng màu đỏ từ đây này, và màu vàng ở đấy đấy, chúng sẽ biết rằng lá cờ có màu vàng và đỏ, và cuối cùng sẽ làm mọi cách khác nhau để hoàn thiện lá cờ màu vàng và đỏ. Chúng vẽ theo cách của mình, nhưng là cùng nhau vẽ lại đất nước!" Tôi sững người, chỉ là những điều bà vừa đã vượt ra khỏi những gì tôi có thể nghĩ đến. - “Cháu nhìn kìa. Có thật nhiều lá cờ được treo lên đằng kia, nhưng sẽ tốt hơn nếu cháu tô được lá cờ của riêng mình. Lá cờ mà tự cháu vẽ lấy, không phải để treo lên cho người ta thấy, mà là để cháu giữ cho riêng mình, để tự tìm ra và định nghĩa nó. Đối với chính cháu, như thế nào, là Việt Nam?” ... Và đó là những lời cuối cùng tôi còn nhớ, kể từ ngày quốc khánh tôi gặp bà cụ. Những lời mà bà nói với tôi và những lá cờ đang tô giở của bà, có lẽ còn nhiều hơn cả một món quà tôi có thể nhận từ một người xa lạ. Những đứa trẻ như tôi, như bạn, lớn lên và tô màu lên những lá cờ trắng. Cái gọi là văn hoá “Vẽ cờ”, thật ra là cách một người có quốc tịch Việt Nam lớn lên và trở thành một người Việt Nam. Hình dạng một lá cờ được tạo ra để định nghĩa một đất nước, nhưng đất nước đó được định nghĩa như thế nào với bạn mới thật sự quan trọng. "Vẽ cờ", chính là vẽ tiếp một đất nước - đất nước của chung, từ bàn tay của bạn. Vậy thì cuối cùng, "là người Việt tạo ra đất nước Việt Nam, hay đất nước Việt Nam sẽ tạo ra những người Việt?" Dưới dòng chảy của những cái “ngày mai”, tôi thấy một đất nước Việt Nam sẽ tiếp tục tạo ra những người Việt Nam, và những người Việt ấy sẽ cùng nhau gìn giữ quốc gia Việt Nam, lá cờ Việt Nam.

0 Votes


Trước 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 Tiếp