Cuộc thi ảnh bộ – Happy Vietnam!

Sắp xếp theo

Tác phẩm: Đại gia đình trong căn nhà cổ Há Súng
ID: 31057
Tác giả: Trần Tiến Đạt
Lời giới thiệu: Nhà cổ Há Súng, thuộc thôn Há Súng, xã Lũng Táo, huyện Đồng Văn, Hà Giang là một ngôi nhà cổ thuộc về dòng họ Vừ, có kiến trúc to lớn, bề thế nằm sâu trong dãy núi, nó xuất hiện cùng thời với kiến trúc dinh thự họ Vương thuộc xã Sà Phìn, và vị trí hai địa điểm này cũng rất gần nhau, thậm chí còn được cho rằng căn nhà này đã xây trước đó 1 thời gian. Tuy nhiên, không được như khu dinh thự họ Vương, căn nhà cổ của dòng họ Vừ nằm cách xa đường quốc lộ, phía sau những dãy núi cao khiến việc đi lại khá khó khăn nên ít được quan tâm hơn. Và điều đặc biệt ở chỗ là trong căn nhà cổ đã xuống cấp nghiêm trọng này, con cháu của dòng họ Vừ vẫn sinh sống hòa thuận với nhau, dù đã cách xa 6-7 đời. Mỗi hộ gia đình ở đây vẫn cố gắng lưu giữ lại những giá trị của căn nhà và hi vọng có một cuộc sống tốt đẹp hơn, cùng nhau trùng tu, bảo tồn những gì cha ông để lại. Bộ ảnh là tập hợp những góc nhìn của mình về cuộc sống hàng ngày của mỗi người, mỗi gia đình trong căn nhà này, và đằng sau đó là những câu chuyện vui, buồn của họ. Đó là cặp đôi mới nên duyên, còn quấn quýt mặn nồng, hay là cặp vợ chồng già đã cùng nhau nâng khăn sửa túi, sống với nhau đã gần trọn đời người. Nhưng đối lập, ngang trái ngay trong chính căn nhà là những người đàn ông cô độc, họ không thể níu giữ hạnh phúc của mình vì cuộc sống nghèo khó nơi mảnh đất cằn cỗi này. Và bên cạnh đó cũng là một gia đình nhỏ hạnh phúc, với những đứa trẻ, những niềm hi vọng mới về một cuộc sống tốt đẹp hơn.

0 Votes


Tác phẩm: "Ánh sáng" từ những lớp học xóa mù chữ ở vùng biên
ID: 24745
Tác giả: Phạm Cường
Lời giới thiệu: Huyện Bình Liêu là địa phương có tỷ lệ mù chữ cao nhất tỉnh Quảng Ninh. Thực hiện Chỉ thị 10-CT/TW ngày 5/12/2011 của Bộ Chính trị về "Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, củng cố kết quả phổ cập giáo dục TH&THCS, tăng cường phân luồng học sinh sau THCS và xóa mù chữ cho người lớn", thời gian qua, công tác xóa mù chữ cho người dân được huyện rất quan tâm. Đều đặn từ thứ hai đến thứ bảy hàng tuần, sau những giờ lên nương rẫy, tối đến, bà con ở các thôn, bản vùng cao Bình Liêu lại rủ nhau đến nhà văn hóa để học con chữ. “Ánh sáng” từ chủ trương của Đảng, từ những lớp học đặc biệt mà thầy cô đã miệt mài gieo chữ trên rẻo cao nơi đây đang giúp bà con đọc thông, viết thạo, thắp lên cơ hội thay đổi cuộc sống mới… Tác giả: Phạm Tăng & Phạm Cường ĐT: 0988404366 Chú Thích Ảnh: Ảnh 1: Ảnh bìa Ảnh 2: Sau những giờ lên nương làm rẫy và chuẩn bị tươm tất bữa cơm, tối đến, gia đình chị Dường Nhì Múi (đang ngồi) lại tranh thủ rủ nhau đến nhà văn hóa thôn Cẩm Hắc, xã Đồng Văn, để học chữ. Ảnh 3: Từ 20 giờ tối, thời tiết vùng cao se lạnh, địa hình phức tạp, đường đi lại khó khăn, vất vả, nhưng các mẹ, các chị em phụ nữ dân tộc Dao ở thôn Cẩm Hắc vẫn rủ nhau tới lớp học xóa mù để học cái chữ. Thôn Cẩm Hắc là một trong thôn khó khăn, giáp biên giới Việt Trung, hiện có 63 hộ, hơn 200 nhân khẩu. Trong thôn còn gần 20 người chưa biết chữ. Ảnh 4: Lúc đầu, lớp học xóa mù chữ thôn Cẩm Hắc chỉ có vài học viên, nhưng sau đó số lượng đã tăng lên 15 học viên. Phần lớn học viên theo học chữ ở độ tuổi từ 30-60 tuổi. Ảnh 5: Cô giáo Trương Thị Nga, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Đồng Văn chia sẻ: Nhiều chị em dân tộc Dao có con nhỏ nhưng vẫn cố gắng thu xếp việc nhà, quyết tâm tới lớp để học cái chữ. Đến nay, sau gần 5 tháng kiên trì theo học, nhiều chị đã biết đọc, biết viết, biết tính toán, nhắn tin trên điện thoại... Ảnh 6: Bà Tằng Tài Múi (bên phải ảnh) 60 tuổi, vẫn tỉ mẩn quyết tâm học chữ. Ảnh 7: Từ năm 2011 đến nay, huyện Bình Liêu đã mở được 111 lớp học xóa mù chữ, cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình xóa mù chữ cho 1.744 học viên. Riêng năm 2023, huyện Bình Liêu mở 10 lớp xóa mù chữ cho 200 học viên. Ảnh chụp tại lớp học xóa mù chữ thôn Phai Làu, xã Đồng Văn. Ảnh 8: Cô giáo Lô Thị Thu, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Đồng Văn cho biết: Nhiều học viên tuổi đã cao, mắt kém, tay cứng khó viết chữ, phát âm không rõ chữ nhưng các chị rất cố gắng, chăm chỉ và tiến bộ từng ngày. Ảnh 9: Những bàn tay chai sần chỉ quen cầm cuốc, tra ngô, nay lại cầm bút tập tô từng nét chữ chưa tròn, nhưng ai cũng miệt mài, cố gắng mong học được cái chữ... Ảnh 10: Để đưa chủ trương của Đảng đến với đồng bào vùng sâu vùng xa, dù bận rộn nhưng Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Cẩm Hắc, Chíu Thị Ngân hằng ngày vẫn lên lớp phụ giúp giáo viên phiên dịch và dạy Tiếng Việt cho bà con trong thôn. Ảnh 11: Cùng với dạy chữ, các giáo viên đứng lớp và cán bộ xã Đồng Văn còn khéo léo kết hợp tuyên truyền cho chị em về đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, ăn ở hợp vệ sinh, bài trừ các hủ tục lạc hậu. Ảnh 12: Chị Dường Nhì Múi (bên trái ảnh) vui mừng cho biết: “Từ trước đến nay, mình chỉ biết đi rừng, phát rẫy, làm nương chứ không quen cầm bút, cầm sách. Học cái chữ khó lắm, nhưng từ ngày có cô giáo đến dạy chữ, mình đã biết đọc, biết viết, biết cách cộng, trừ tính toán mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo. Đây là niềm vui, mong chờ lớn nhất trong cuộc đời của mình...". Ảnh 13: Đến nay, nhiều chị em trong thôn Cẩm Hắc đã biết đọc, biết viết, biết tính toán, nhắn tin trên điện thoại. Ảnh 14: Được tiếp cận "ánh sáng" từ con chữ, diện mạo những thôn, bản vùng cao của huyện miền núi, biên giới Bình Liêu đang thay da, đổi thịt từng ngày. Ảnh chụp thôn Cẩm Hắc, xã Đồng Văn (huyện Bình Liêu).

0 Votes


Trước 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 Tiếp