Cuộc thi ảnh bộ – Happy Vietnam 2024!

Lọc theo
Sắp xếp theo

Tác phẩm: lễ Phong phẩm Phó cả sư (Lễ Pok Tapah)
ID: 590169
Tác giả: Nguyễn Văn Anh
Lời giới thiệu: Đây là những hình ảnh Lễ Pok Tapah (Phong phẩm Phó Cả sư) của sư cả chức sắc Huỳnh Cạn thôn Phan Hiệp - huyện Bắc Bình, nghi lễ này ghi nhận một bước trưởng thành của một tu sĩ người Chăm Bà-la-môn giáo. Đây là một nghi lễ phong phú, nhiều màu sắc rực rỡ. Có rất nhiều nghi thức được thực hiện trong nhiều ngày, quy tụ nhiều con người để làm nên một cuộc lễ. Và cũng thật khó để chụp lại những hình ảnh này. Trải qua nhiều năm tháng, nhiều biến động thăng trầm trong lịch sử, cùng với những tác động bất lợi của các nền văn hóa khác trong cuộc sống hiện tại, nhưng họ âm thầm, miệt mài gìn giữ màu sắc của tổ tiên, hình như (theo tôi) không sót một ly nào. Nhìn những hình ảnh bạn sẽ thấy rõ những nghi lễ của họ thật độc đáo, đầy bản sắc dân tộc Chăm và có nhiều nét nghệ thuật trong đó nữa. Ai chứng kiến những nghi lễ của họ, mới hiểu được chiều sâu, cũng như nội lực của nền văn hóa Chămpa. Cũng phải nói thêm rằng, để duy trì nền tảng văn hóa tổ tiên để lại, mọi người cũng phải ghi nhận sự gánh chịu của đồng bào, tuy rằng cuộc sống của họ vẫn còn nghèo khó. Mình tin rằng văn hóa Champa sẽ trường tồn theo năm tháng, cũng giống như những ngôi tháp Chăm đẹp đẽ và cổ kính kéo dài từ Quảng bình đến Phú Hài – Phan Thiết vậy. Những ngôi tháp Chăm sừng sững, hiên ngang giữa bầu trời đã chứng minh rõ nét nhất cho sự bất diệt của nền văn hóa Champa.

0 Votes


Tác phẩm: Hành trình mới
ID: 605903
Tác giả: Huỳnh Lưu Bảo Trân
Lời giới thiệu: Thời khắc tốt nghiệp lớp 12 thật vô cùng quý giá. Thời khắc ấy, chắc hẳn niềm hạnh phúc sẽ dâng trào trong lòng của mỗi một bạn học sinh. Hạnh phúc vì những nổ lực miệt mài của 12 năm đèn sách cũng đã được đền đáp, chúng ta đã tốt nghiệp phổ thông. Hạnh phúc vì từ đây sẽ bắt đầu hành trình mới, đến với cánh cổng đại học để bồi đắp hành trang 4 năm chuẩn bị bước vào đời. Chặn đường mới này, chúng ta sẽ đi trên chính đôi chân của mình, tự chúng ta nuôi sống bản thân, nỗi lo cơm áo gạo tiền để nuôi nấng chúng nên người sẽ không còn đè lên vai của bố mẹ nữa mà chính chúng ta sẽ quay trở lại phụ giúp gia đình. Niềm hạnh phúc ấy không chỉ của riêng mỗi đứa học sinh mà còn là niềm hạnh phúc của bậc phụ huynh, bởi niềm vui của con chính là niềm hạnh phúc lớn nhất của bố mẹ. Và khi đã làm bố mẹ thì mọi điều mà họ chỉ vì mục tiêu lớn nhất là chăm sóc và dạy dỗ con, giúp con từng bước trưởng thành và khôn lớn. Hơn thế nữa, niềm hạnh phúc ấy còn là niềm hạnh phúc của cả một đất nước, học vấn của chúng ta không chỉ nuôi sống bản thân, gia đình, mà còn giúp ích cho xã hội, chúng ta đem kiến thức ấy phục vụ cho đất nước, cho sự phát triển phồn vinh của dân tộc.

1 Vote


Tác phẩm: Tây Nguyên huyền bí
ID: 608595
Tác giả: Nguyễn Khánh Vũ Khoa
Lời giới thiệu: Tây Nguyên huyền bí Tây Nguyên, vùng đất cao nguyên hùng vĩ nằm ở miền Trung Việt Nam, không chỉ nổi tiếng với cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp mà còn ẩn chứa nhiều huyền bí trong văn hóa và phong tục tập quán của các dân tộc thiểu số nơi đây. Cảnh sắc thiên nhiên Tây Nguyên là nơi giao thoa giữa núi rừng, thác nước và những cánh đồng cà phê bạt ngàn. Những ngọn núi trùng điệp, dòng sông trong xanh và những thác nước ào ạt như thác Draynur, thác Yang Bay tạo nên bức tranh thiên nhiên hùng vĩ. Không chỉ có vậy, Tây Nguyên còn nổi tiếng với các hồ nước như hồ T’nưng hay hồ Lắk, nơi du khách có thể tham gia vào các hoạt động du lịch sinh thái thú vị. Văn hóa phong phú Tây Nguyên là nơi sinh sống của nhiều dân tộc như Ê Đê, Gia Rai, Ba Na, Xê Đăng, mỗi dân tộc mang trong mình những truyền thuyết, phong tục tập quán độc đáo. Nét đặc trưng văn hóa Tây Nguyên không thể không nhắc đến những lễ hội như lễ hội cồng chiêng, lễ hội mừng mùa màng, hay các nghi thức cúng bái linh hồn. Những điệu múa, tiếng cồng chiêng vang vọng trong không gian núi rừng tạo nên âm thanh huyền bí, khiến người nghe cảm nhận được sự kết nối giữa con người với thiên nhiên. Ẩm thực độc đáo Ẩm thực Tây Nguyên cũng mang đậm bản sắc văn hóa của vùng đất này. Các món ăn như cơm lam, gà nướng, và rượu cần không chỉ ngon mà còn chứa đựng những câu chuyện về cuộc sống của người dân nơi đây. Rượu cần, một loại rượu truyền thống, thường được sử dụng trong các buổi lễ hội, tạo nên không khí giao lưu thân mật giữa bạn bè và gia đình. Tây Nguyên không chỉ là điểm đến lý tưởng cho những ai yêu thích thiên nhiên, mà còn là nơi để khám phá những giá trị văn hóa độc đáo và huyền bí. Một chuyến đi đến Tây Nguyên chắc chắn sẽ mang đến cho bạn những trải nghiệm khó quên và những kỷ niệm đẹp về vùng đất này.

0 Votes


Tác phẩm: NHỮNG CHIẾN BINH KHIẾM THỊ CÂU LẠC BỘ CHẠY BLIND RUNNER
ID: 600015
Tác giả: Trần Đức Hạnh
Lời giới thiệu: Vũ Tiến Mạnh đã thành lập CLB chạy cho người khiếm thị mang tên “Blind Runner”, với mong muốn không chỉ tạo ra một sân chơi thể thao mà còn là nơi giúp người khiếm thị có cơ hội vun đắp niềm vui sống. Vũ Tiến Mạnh (24 tuổi, Phú Thọ) là vận động viên chạy bộ chuyên nghiệp, tại ASEAN Para Games 12 diễn ra ở Campuchia, Mạnh đem về cho đoàn Việt Nam 3 huy chương bạc các nội dung 800m, 1.500m và tiếp sức. Nhận thấy nhiều người khiếm thị có mong muốn chạy bộ nhưng không có điều kiện, Vũ Tiến Mạnh đã thành lập CLB chạy cho người khiếm thị mang tên “Blind Runner”, với mong muốn không chỉ tạo ra một sân chơi thể thao mà còn là nơi giúp những người khiếm thị có cơ hội được giao lưu, vun đắp niềm vui sống. Chú thích ảnh bài: NHỮNG CHIẾN BINH KHIẾM THỊ CÂU LẠC BỘ CHẠY BLIND RUNNER 1. CLB Blind Runners không chỉ là nơi luyện tập, giao lưu thỏa sức đam mê chạy bộ mà còn tiếp thêm động lực giúp người khiếm thị chinh phục bản thân, vượt thoát khỏi cộng đồng khiếm thị, tự tin hòa nhập, giao tiếp với mọi người. 2. Với mong muốn phá bỏ rào cản định kiến xã hội về người khiếm thị, Blind Runners đã hoạt động như một ngôi nhà thực thụ, nơi không còn khoảng cách giữa các thành viên. 3. CLB Blind Runners của Tiến Mạnh và các cộng sự lấy khẩu hiệu “không gì là không thể”.Đến nay, CLB đã lên tới 30 thành viên, chia làm 2 nhóm mới tham gia và chạy đã lâu. Các nhóm này tập luyện theo chương trình giáo án do Mạnh soạn thảo. 4. Không còn đôi mắt, việc chạy bộ của những người khiếm thị có nhiều điểm đặc biệt. Mỗi người sẽ có một bạn đồng hành mắt sáng để dẫn đường. Các cặp chạy sẽ được kết nối bằng một sợi dây ở tay. 5. Thông qua sợi dây này, chân chạy khiếm thị sẽ kiểm soát được tốc độ theo người dẫn đường cũng như điều hướng cho phù hợp với đường chạy. 6. “Chạy trong bóng tối, đôi tai của người khiếm thị sẽ hoạt động 200% công suất. Chúng tôi sẽ lắng nghe guồng chân của các chân chạy khác để điều chỉnh guồng chân của mình. Bên cạnh đó, đôi tai cũng thay đôi mắt nắm bắt các thông tin quan trọng khác qua âm báo trên đồng hồ chạy hoặc trao đổi của người dẫn đường”, anh Mạnh chia sẻ. 7. Cứ mỗi sáng chủ nhật, ở công viên Bách Thảo (TP. Hà Nội), anh Vũ Tiến Mạnh và những người bạn của mình lại bắt đầu khởi động, luyện tập tại đây. 8. Sau thời gian tập luyện đến nay, gần như tất cả thành viên trong câu lạc bộ đều đã có thể chạy 10km trở lên. Điều đặc biệt với họ, không chỉ là quãng đường chạy được, mà còn đầy ắp sự tự tin, lạc quan. 9. “Ban đầu tôi chỉ chạy được 50m, sau đó cự ly tăng lên được 100m. Thành tích cứ nhích dần và đến hiện tại tôi đã chạy được 10km. Chạy giúp sức khỏe của tôi được cải thiện và hơn cả tôi được gặp, giao lưu với những người giống mình”, anh Hồ Minh Quang, Thành viên câu lạc bộ Blind Runner chia sẻ. 10. Với thông điệp “Không bỏ cuộc, tin vào chính mình, câu lạc bộ chạy cho người khiếm thị Blind Runner đang từng ngày lan tỏa những giá trị sống tích cực, lạc quan đến cộng đồng người yếu thế trong xã hội, giúp họ rèn luyện thể chất khoẻ mạnh, xây dựng lối sống lành mạnh, vui vẻ.

0 Votes


Tác phẩm: Người thổi hồn vào tò he
ID: 599983
Tác giả: Trần Đức Hạnh
Lời giới thiệu: Tò he là đồ chơi dân gian thuần chất thôn quê đã đi vào đời sống tinh thần của biết bao thế hệ người dân đất Việt. Theo những người còn lưu giữ nghề tại làng Xuân La, nghề nặn tò he xuất hiện khoảng 400-500 năm trước.Trước đây, nặn tò he là một nét văn hoá dân gian ở các vùng quê Việt Nam, đặc biệt là Bắc Bộ. Ban đầu, tò he là sản phẩm để cúng lễ nên thường có hình thù các con vật. Cũng vì thế mà tò he trước đây còn có tên gọi khác là "đồ chơi chim cò". Chú thích ảnh bài: NGƯỜI THỔI HỒN VÀO TÒ HE 1. Nghệ nhân Đặng Văn Hậu, thôn Xuân La, xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, Hà Nội đã dành hơn 20 năm để học hỏi, nghiên cứu và cải tiến các sản phẩm tò he. 2. Nguyên liệu làm tò he là gạo nếp, gạo tẻ đem trộn đều, ngâm nước, sau đó đem xay hoặc giã thành bột; gạo nếp thì dễ làm và chất lượng sản phẩm tốt hơn. Bột thành phẩm được nhào kỹ đến khi không dính tay rồi mới nắm thành những nắm nhỏ, đem luộc chín. Nghệ nhân tò he Đặng Văn Hậu ở thôn Xuân La cho biết, quan trọng là kỹ thuật luộc bột và làm bột phải theo thời tiết. Mùa đông thì làm bột dẻo hơn mùa hè. 3. Nghệ nhân nặn tò he sẽ đem "đấu" màu và nặn hình. Màu sắc dùng để nhuộm bột cũng lấy từ nước màu có nguồn gốc thiên nhiên, từ các loại lá cây, rau củ ăn được. Chẳng hạn như màu đỏ từ quả gấc, màu đen từ cây nhọ nồi, màu xanh từ lá trầu không, lá riềng. Cần phải qua nhiều công đoạn công phu, đặc biệt khâu làm bột, thì mới làm ra được sản phẩm tò he bóng mượt và màu sắc tươi đẹp. 4. Không chỉ giữ lửa nghề truyền thống của làng tò he Xuân La, với tài năng và niềm đam mê, nghệ nhân trẻ Đặng Văn Hậu còn đưa nghề nặn những con giống bằng bột đến với đông đảo người dân và du khách trong và ngoài nước. 5. Đối với trẻ em cũng như người lớn, trong nước và quốc tế thì mọi người có thể giữ gìn những món đồ chơi đấy trong khoảng thời gian rất dài, có thể tồn tại được đến 3 năm và đồng thời là nghệ nhân Đặng Văn Hậu cũng đang tạo ra một bộ kit tò he. Đó là một bộ mà có thể tham gia vào quá trình tạo ra các sản phẩm đó và từ đó là sẽ kích thích sự sáng tạo của những người chơi, đặc biệt là trẻ em.” 6. Một số vùng tại miền Bắc, người ta còn gọi là "con bánh" vì bên cạnh hình thù các con vật, người ta còn nặn bột thành nải chuối, quả cau, chân giò, đĩa xôi... tạo thành mâm cỗ để đi chùa dâng cúng. Về sau, sản phẩm được gắn vào một chiếc kèn ống, ở đầu kèn có quét chút mạch nha, khi thổi phát ra âm thanh "tò te" thế nên có lẽ người ta gọi là "tò te", sau này nói trại thành "tò he".

1 Vote


Tác phẩm: Những người khiếm thị yêu chạy
ID: 589276
Tác giả: Nguyễn Tất Sơn
Lời giới thiệu: Vốn dĩ người khiếm thị đi lại thường rất khó khăn nhưng thực tế họ có thể chạy, thậm chí tham gia các giải marathon ở cự ly hàng chục km với thành tích mà nhiều người mắt sáng chắc hẳn rất ao ước. Đó là câu chuyện có thực tại Câu lạc bộ (CLB) người khiếm thị yêu chạy “Blind Runners”, đã truyền cảm hứng cho nhiều người trong xã hội để vươn lên, vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Nhận thấy nhiều người khiếm thị có mong muốn chạy bộ nhưng không có điều kiện, vận động viên (VĐV) khiếm thị Quốc gia Vũ Tiến Mạnh cùng những người bạn đã thành lập CLB “Blind Runners” để đưa bộ môn chạy đến với họ, giúp họ hòa vào “những làn chạy” của người mắt sáng và đã truyền cảm hứng, tạo ra sự lan tỏa trong xã hội. Từ những suy nghĩ đó, tháng 7 năm 2023, CLB “Blind Runners” chính thức được thành lập dưới sự bảo trợ của Hội người mù Việt Nam. Trải qua gần 1 năm hoạt động, CLB đã có 41 thành viên (gồm 26 người khiếm thị và 15 tình nguyện viên dẫn đường) trở thành ngôi nhà chung để các thành viên chia sẻ những buồn vui, giúp đỡ nhau cho cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn. Điều đặc biệt, với những nỗ lực tập luyện, các thành viên trong CLB đều có thể hoàn thành cự ly chạy 10km trở lên. Trong đó, có đến 3 thành viên khiếm thị đã gây tiếng vang khi tham gia các giải chạy trong nước và xuất sắc hoàn thành cự ly full Marathon 42km. Đây là cự ly mà nhiều người bình thường tham gia chạy marathon đều mơ ước đạt được./.

0 Votes


Trước 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 Tiếp