Cuộc thi ảnh bộ – Happy Vietnam 2024!

Lọc theo
Sắp xếp theo

Tác phẩm: “MỘC BẢN THANH LIẾU – HÀNH TRÌNH HỒI SINH MỘT LÀNG NGHỀ”
ID: 600038
Tác giả: Trần Đức Hạnh
Lời giới thiệu: Nghề in khắc gỗ (in mộc bản) thôn Thanh Liễu (phường Tân Hưng, thành phố Hải Dương) đã tồn tại hơn 500 năm. Theo thời gian, nghề in ở đây dần mai một và hiện chỉ còn ít hộ giữ được nghề truyền thống. “Mộc bản Thanh Liễu - Hành trình hồi sinh một làng nghề” không chỉ là đề tài trình diễn, giới thiệu di sản làng nghề, mà còn là một chuyên đề giao lưu, chia sẻ bao gồm các workshop thực hành, thảo luận, kết nối đầu tư với nhiều hoạt động phong phú diễn ra trong suốt tháng 6 tại Hà Nội do phường Bách Nghệ và các nghệ nhân làng Thanh Liễu thực hiện. Chú thích ảnh bài: “MỘC BẢN THANH LIỄU – HÀNH TRÌNH HỒI SINH MỘT LÀNG NGHỀ” 1. Các nghệ nhân đã chia sẻ quá trình tâm huyết giữ nghề in khắc gỗ, đồng thời tổ chức một số hoạt động, như: Triển lãm ảnh về mộc bản Thanh Liễu, trải nghiệm tự tay in mộc bản, pha trà sen, thưởng thức ca trù… 2. Chia sẻ tại sự kiện, anh Nguyễn Công Đạt (nghệ nhân khắc mộc bản làng Thanh Liễu) nói: “Mộc bản Thanh Liễu - Hành trình hồi sinh một làng nghề” nhằm nỗ lực bảo tồn di sản, đồng thời sẽ tạo cơ hội để phát triển và đổi mới cho làng nghề Thanh Liễu. Chúng tôi mong muốn nghề mộc bản sẽ tiếp tục phát triển và được nhiều người đón nhận hơn trong tương lai”. 3. Giấy in mộc bản là giấy dó, giấy xuyến lăn bằng mực Tàu. Người thợ dán giấy lên bản khắc đã hoàn chỉnh rồi lăn đều tay. Ở mỗi công đoạn, người thợ phải cẩn thận đặt hết tâm trí và sự khéo léo mới đem về thành quả là bản in rõ nét và có “sức đề kháng” bền bỉ với thời gian. 4. “Mỗi bản khắc gỗ, một nghệ nhân phải mất trung bình từ 3 đến 5 ngày mới hoàn thiện. Tuy nhiên cũng có những bản khắc gỗ mất khá nhiều thời gian, tới vài tháng tùy vào độ dài ngắn, câu chữ, chủ đề, chi tiết... Có những bản khắc gỗ mà yêu cầu con chữ bé như con kiến, có những chi tiết mảnh đòi hỏi trình độ, kinh nghiệm và thời gian dài mới có thể hoàn thiện”, nghệ nhân Nguyễn Công Tráng cho hay. 5. Mộc bản Thanh Liễu còn đặc biệt ở chỗ là sự tỉ mỉ trong từng nét chạm trổ, những đường vát nhọn được khắc rất mảnh nên khi được in ra giấy sẽ có một nét đẹp rất riêng mà các công nghệ khắc, in ấn hiện đại như CNC, laser... khó có thể làm được. 6. Một bản khắc tạo hình Đức Trì Quốc Thiên Vương. Được biết, những bản khắc "siêu chi tiết" này cần ít nhất 10 ngày đến nửa tháng để hoàn thành cắt gọt từng đường nét 7. Người dân, du khách được trải nghiệm các công đoạn thực hành. Đây là cách để các nghệ nhân truyền lửa trong việc giữ gìn, bảo tồn giá trị làng nghề cũng như lan tỏa văn hóa truyền thống Việt Nam trong nhịp sống đương đại. 8. Công chúng tham quan, trải nghiệm gian trưng bày dụng cụ in mộc bản. 9. Nhiều bộ kinh sách đã được khắc in ấn tại đây, trong đó phải kể đến bộ “Đại Việt sử ký toàn thư” đồ sộ đã được những nghệ nhân làng Hồng Lục (Thanh Liễu) và làng Liễu Tràng vâng lệnh vua khắc đầy đủ lần đầu tiên vào năm Chính Hòa thứ 18 (1697). Hiện, mộc bản đang được lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV (Đà Lạt). 10. Hiện nay đã có một số người trở lại với nghề in khắc mộc bản, Thanh Liễu cũng là “trường dạy nghề” cho những ai đam mê. Tuy nhiên, muốn làm nghề khắc ván in phải học việc trung bình ba năm mới có thể thành thợ. Người thợ phải biết chữ Hán, hiểu luật viết, nhận dạng các chữ in ngược. Bởi sự khó ấy nên từ xưa, nghề in khắc mộc bản đều nằm trong phạm vi gia đình dòng họ theo hướng cha truyền con nối.

0 Votes


Trước 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 Tiếp