Cuộc thi ảnh bộ – Happy Vietnam 2024!

Lọc theo
Sắp xếp theo

Tác phẩm: Ngang trời rực rỡ
ID: 603365
Tác giả: Nguyễn Khánh Vũ Khoa
Lời giới thiệu: Ngang trời rực rỡ... ----------------------------------------------------------------------- Đồi Ba Quáng... Việt Nam ta được trời đất ban tặng cho biết bao khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp khiến bạn bè quốc tế phải say đắm trước vẻ đẹp của đất nước hình chữ S. Từ Bắc xuống Nam, mỗi một vùng miền đều mang trong mình những nét đẹp riêng biệt. Nếu miền Nam có vẻ đẹp của sông nước thì khi đi du lịch miền Bắc bạn sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những đồi núi cao mênh mông. Và trong bài viết này, Ba Quáng (Vinh Quý) có view triệu đô tuyệt đẹp miền Bắc. Nhắc đến săn mây chắc hẳn du khách sẽ nghĩ ngay đến Đà Lạt. Nhưng chẳng cần đi Đà Lạt nữa, tại đồi cỏ Ba Quáng bạn cũng sẽ có cơ hội trải nghiệm thú vui săn mây, ngắm nhìn những đám mây trắng bồng bềnh trôi nhẹ lưng chừng đồi. Thời điểm để bạn có thể nhìn thấy mây nhiều là vào sáng sớm bình minh vừa ló rạng. Bạn có thể di chuyển đến đồi thông Vinh Quý nằm cạnh đồi cỏ cháy để có thể ngắm mây rõ hơn. Lúc này những tia nắng sớm chiếu xuyên qua những màn mây tạo nên một khung cảnh vô cùng thơ mộng, huyền ảo không thua gì thiên đường săn mây Đà Lạt. Ngựa và người Tày... Từ xa xưa, với người dân tộc Tày ở tỉnh ta, ngựa không chỉ gắn bó mật thiết trong đời sống mà còn đi vào tục ngữ mang giá trị giáo dục sâu sắc. Chuyện kể rằng, ở châu Tư Lang xưa (nay là huyện Trùng Khánh) có Thổ quan Hoàng Nghệ bắt được A Thai - Phó tướng quân Nguyên Mông đem dâng vua Trần (theo Đại Việt sử ký toàn thư quyển II, trang 62). Thổ quan Hoàng Nghệ có con ngựa trắng như tuyết rất đẹp, nhưng lại là con ngựa cái nên ai cũng chê cười vì quan cưỡi ngựa cái, trái với thời đó, các quan lại phải cưỡi ngựa đực to, đẹp. Nhưng con ngựa trắng của Hoàng Nghệ đẹp khác thường, tinh khôn, chỉ cần cưỡi lên lưng, nói nhỏ vào tai là nó tự biết đường đi không cần cầm cương điều khiển. Hiện nay cuộc sống hiện đại, ngựa không còn là “đầu cơ nghiệp” của đồng bào vùng cao, nhưng tại các bản làng vùng cao người Tày, Nùng vẫn duy trì nuôi ngựa. Bởi với đồng bào, ngựa là con vật quan trọng trong đời sống sinh hoạt và sản xuất. Ngựa theo chân người xuống núi, chở nông sản xuống các phiên chợ để trao đổi. Tại một số diểm, khu du lịch, ngựa được sử dụng để du khách trải nghiệm, trở thành một dịch vụ du lịch khá hấp dẫn.

0 Votes


Tác phẩm: Người thổi hồn vào tò he
ID: 599983
Tác giả: Trần Đức Hạnh
Lời giới thiệu: Tò he là đồ chơi dân gian thuần chất thôn quê đã đi vào đời sống tinh thần của biết bao thế hệ người dân đất Việt. Theo những người còn lưu giữ nghề tại làng Xuân La, nghề nặn tò he xuất hiện khoảng 400-500 năm trước.Trước đây, nặn tò he là một nét văn hoá dân gian ở các vùng quê Việt Nam, đặc biệt là Bắc Bộ. Ban đầu, tò he là sản phẩm để cúng lễ nên thường có hình thù các con vật. Cũng vì thế mà tò he trước đây còn có tên gọi khác là "đồ chơi chim cò". Chú thích ảnh bài: NGƯỜI THỔI HỒN VÀO TÒ HE 1. Nghệ nhân Đặng Văn Hậu, thôn Xuân La, xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, Hà Nội đã dành hơn 20 năm để học hỏi, nghiên cứu và cải tiến các sản phẩm tò he. 2. Nguyên liệu làm tò he là gạo nếp, gạo tẻ đem trộn đều, ngâm nước, sau đó đem xay hoặc giã thành bột; gạo nếp thì dễ làm và chất lượng sản phẩm tốt hơn. Bột thành phẩm được nhào kỹ đến khi không dính tay rồi mới nắm thành những nắm nhỏ, đem luộc chín. Nghệ nhân tò he Đặng Văn Hậu ở thôn Xuân La cho biết, quan trọng là kỹ thuật luộc bột và làm bột phải theo thời tiết. Mùa đông thì làm bột dẻo hơn mùa hè. 3. Nghệ nhân nặn tò he sẽ đem "đấu" màu và nặn hình. Màu sắc dùng để nhuộm bột cũng lấy từ nước màu có nguồn gốc thiên nhiên, từ các loại lá cây, rau củ ăn được. Chẳng hạn như màu đỏ từ quả gấc, màu đen từ cây nhọ nồi, màu xanh từ lá trầu không, lá riềng. Cần phải qua nhiều công đoạn công phu, đặc biệt khâu làm bột, thì mới làm ra được sản phẩm tò he bóng mượt và màu sắc tươi đẹp. 4. Không chỉ giữ lửa nghề truyền thống của làng tò he Xuân La, với tài năng và niềm đam mê, nghệ nhân trẻ Đặng Văn Hậu còn đưa nghề nặn những con giống bằng bột đến với đông đảo người dân và du khách trong và ngoài nước. 5. Đối với trẻ em cũng như người lớn, trong nước và quốc tế thì mọi người có thể giữ gìn những món đồ chơi đấy trong khoảng thời gian rất dài, có thể tồn tại được đến 3 năm và đồng thời là nghệ nhân Đặng Văn Hậu cũng đang tạo ra một bộ kit tò he. Đó là một bộ mà có thể tham gia vào quá trình tạo ra các sản phẩm đó và từ đó là sẽ kích thích sự sáng tạo của những người chơi, đặc biệt là trẻ em.” 6. Một số vùng tại miền Bắc, người ta còn gọi là "con bánh" vì bên cạnh hình thù các con vật, người ta còn nặn bột thành nải chuối, quả cau, chân giò, đĩa xôi... tạo thành mâm cỗ để đi chùa dâng cúng. Về sau, sản phẩm được gắn vào một chiếc kèn ống, ở đầu kèn có quét chút mạch nha, khi thổi phát ra âm thanh "tò te" thế nên có lẽ người ta gọi là "tò te", sau này nói trại thành "tò he".

1 Vote


Tác phẩm: “MỘC BẢN THANH LIẾU – HÀNH TRÌNH HỒI SINH MỘT LÀNG NGHỀ”
ID: 600038
Tác giả: Trần Đức Hạnh
Lời giới thiệu: Nghề in khắc gỗ (in mộc bản) thôn Thanh Liễu (phường Tân Hưng, thành phố Hải Dương) đã tồn tại hơn 500 năm. Theo thời gian, nghề in ở đây dần mai một và hiện chỉ còn ít hộ giữ được nghề truyền thống. “Mộc bản Thanh Liễu - Hành trình hồi sinh một làng nghề” không chỉ là đề tài trình diễn, giới thiệu di sản làng nghề, mà còn là một chuyên đề giao lưu, chia sẻ bao gồm các workshop thực hành, thảo luận, kết nối đầu tư với nhiều hoạt động phong phú diễn ra trong suốt tháng 6 tại Hà Nội do phường Bách Nghệ và các nghệ nhân làng Thanh Liễu thực hiện. Chú thích ảnh bài: “MỘC BẢN THANH LIỄU – HÀNH TRÌNH HỒI SINH MỘT LÀNG NGHỀ” 1. Các nghệ nhân đã chia sẻ quá trình tâm huyết giữ nghề in khắc gỗ, đồng thời tổ chức một số hoạt động, như: Triển lãm ảnh về mộc bản Thanh Liễu, trải nghiệm tự tay in mộc bản, pha trà sen, thưởng thức ca trù… 2. Chia sẻ tại sự kiện, anh Nguyễn Công Đạt (nghệ nhân khắc mộc bản làng Thanh Liễu) nói: “Mộc bản Thanh Liễu - Hành trình hồi sinh một làng nghề” nhằm nỗ lực bảo tồn di sản, đồng thời sẽ tạo cơ hội để phát triển và đổi mới cho làng nghề Thanh Liễu. Chúng tôi mong muốn nghề mộc bản sẽ tiếp tục phát triển và được nhiều người đón nhận hơn trong tương lai”. 3. Giấy in mộc bản là giấy dó, giấy xuyến lăn bằng mực Tàu. Người thợ dán giấy lên bản khắc đã hoàn chỉnh rồi lăn đều tay. Ở mỗi công đoạn, người thợ phải cẩn thận đặt hết tâm trí và sự khéo léo mới đem về thành quả là bản in rõ nét và có “sức đề kháng” bền bỉ với thời gian. 4. “Mỗi bản khắc gỗ, một nghệ nhân phải mất trung bình từ 3 đến 5 ngày mới hoàn thiện. Tuy nhiên cũng có những bản khắc gỗ mất khá nhiều thời gian, tới vài tháng tùy vào độ dài ngắn, câu chữ, chủ đề, chi tiết... Có những bản khắc gỗ mà yêu cầu con chữ bé như con kiến, có những chi tiết mảnh đòi hỏi trình độ, kinh nghiệm và thời gian dài mới có thể hoàn thiện”, nghệ nhân Nguyễn Công Tráng cho hay. 5. Mộc bản Thanh Liễu còn đặc biệt ở chỗ là sự tỉ mỉ trong từng nét chạm trổ, những đường vát nhọn được khắc rất mảnh nên khi được in ra giấy sẽ có một nét đẹp rất riêng mà các công nghệ khắc, in ấn hiện đại như CNC, laser... khó có thể làm được. 6. Một bản khắc tạo hình Đức Trì Quốc Thiên Vương. Được biết, những bản khắc "siêu chi tiết" này cần ít nhất 10 ngày đến nửa tháng để hoàn thành cắt gọt từng đường nét 7. Người dân, du khách được trải nghiệm các công đoạn thực hành. Đây là cách để các nghệ nhân truyền lửa trong việc giữ gìn, bảo tồn giá trị làng nghề cũng như lan tỏa văn hóa truyền thống Việt Nam trong nhịp sống đương đại. 8. Công chúng tham quan, trải nghiệm gian trưng bày dụng cụ in mộc bản. 9. Nhiều bộ kinh sách đã được khắc in ấn tại đây, trong đó phải kể đến bộ “Đại Việt sử ký toàn thư” đồ sộ đã được những nghệ nhân làng Hồng Lục (Thanh Liễu) và làng Liễu Tràng vâng lệnh vua khắc đầy đủ lần đầu tiên vào năm Chính Hòa thứ 18 (1697). Hiện, mộc bản đang được lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV (Đà Lạt). 10. Hiện nay đã có một số người trở lại với nghề in khắc mộc bản, Thanh Liễu cũng là “trường dạy nghề” cho những ai đam mê. Tuy nhiên, muốn làm nghề khắc ván in phải học việc trung bình ba năm mới có thể thành thợ. Người thợ phải biết chữ Hán, hiểu luật viết, nhận dạng các chữ in ngược. Bởi sự khó ấy nên từ xưa, nghề in khắc mộc bản đều nằm trong phạm vi gia đình dòng họ theo hướng cha truyền con nối.

0 Votes


Tác phẩm: lễ Phong phẩm Phó cả sư (Lễ Pok Tapah)
ID: 590169
Tác giả: Nguyễn Văn Anh
Lời giới thiệu: Đây là những hình ảnh Lễ Pok Tapah (Phong phẩm Phó Cả sư) của sư cả chức sắc Huỳnh Cạn thôn Phan Hiệp - huyện Bắc Bình, nghi lễ này ghi nhận một bước trưởng thành của một tu sĩ người Chăm Bà-la-môn giáo. Đây là một nghi lễ phong phú, nhiều màu sắc rực rỡ. Có rất nhiều nghi thức được thực hiện trong nhiều ngày, quy tụ nhiều con người để làm nên một cuộc lễ. Và cũng thật khó để chụp lại những hình ảnh này. Trải qua nhiều năm tháng, nhiều biến động thăng trầm trong lịch sử, cùng với những tác động bất lợi của các nền văn hóa khác trong cuộc sống hiện tại, nhưng họ âm thầm, miệt mài gìn giữ màu sắc của tổ tiên, hình như (theo tôi) không sót một ly nào. Nhìn những hình ảnh bạn sẽ thấy rõ những nghi lễ của họ thật độc đáo, đầy bản sắc dân tộc Chăm và có nhiều nét nghệ thuật trong đó nữa. Ai chứng kiến những nghi lễ của họ, mới hiểu được chiều sâu, cũng như nội lực của nền văn hóa Chămpa. Cũng phải nói thêm rằng, để duy trì nền tảng văn hóa tổ tiên để lại, mọi người cũng phải ghi nhận sự gánh chịu của đồng bào, tuy rằng cuộc sống của họ vẫn còn nghèo khó. Mình tin rằng văn hóa Champa sẽ trường tồn theo năm tháng, cũng giống như những ngôi tháp Chăm đẹp đẽ và cổ kính kéo dài từ Quảng bình đến Phú Hài – Phan Thiết vậy. Những ngôi tháp Chăm sừng sững, hiên ngang giữa bầu trời đã chứng minh rõ nét nhất cho sự bất diệt của nền văn hóa Champa.

0 Votes


Tác phẩm: Tây Nguyên tôi yêu,thân thuộc và bình yên đến lạ.
ID: 588621
Tác giả: phạm quỳnh như
Lời giới thiệu: Nhà dân tộc học nổi tiếng người Pháp Jacques Dournes đã từng viết:" Nếu phải hiểu để có thể yêu Tây Nguyên thì lại phải yêu để có thể hiểu ". Thật lạ kì "Miền đất huyền ảo" sao lại khiến tôi yêu đến thế. Một cảnh đẹp thiên nhiên sự tạo hoá tuyệt diệu nơi đất nước Việt Nam,cùng hoà quyện vào từng chi tiết nhỏ phác hoạ lên một bức tranh sống động và huyền bí. Là khoảng khắc mà con người ta không nhìn thấy gì và chỉ cảm nhận được sức sống mãnh liệt của thiên nhiên nơi mà lòng ta bình yên đến lạ. Nếu mà mệt quá giữa thành phố sống chồng lên nhau, hãy tạm gác lại sự xô bồ ấy và cùng đến với mảnh đất huyền ảo của Tây Nguyên Lâm Đồng nào! Nơi tạo ra những" hạt ngọc nâu" mang hương vị đậm đắng,thơm lừng và mạnh mẽ, chúng cuốn ta vào cuộc phiêu lưu vị giác tuyệt vời.Anh là khởi đầu cho ngày mới, là cùng em đu đưa mỗi đêm thức trắng. Và còn là nơi khai sinh ra các giống bơ mới lạ đặc biệt,dẻo,béo ngậy.Hay cùng đến với "Thủ phủ sầu riêng" đặc sản mà chỉ mảnh đất bazan màu mỡ ở Việt Nam Tây Nguyên mới tạo ra được hương thơm độc lạ ,vị ngọt bùi lôi cuốn, đậm vị béo ngậy. Tự hào là con người Việt Nam,là người con của Tây Nguyên một trong những vẻ đẹp của đất nước để được thưởng thức và tận hưởng những hương vị tuyệt vời và sự huyền ảo bình yên đến lạ kì của mảnh đất này. Hãy nhắm mắt lại nơi thành phố xô bồ và tỉnh dậy nơi vùng núi xa xôi,nơi ánh nắng như người bạn,ngọn gió như tri kỉ và cây cối như lời ca nhé!

3 Votes


Tác phẩm: Những chú "ong thợ" vượt nắng, thắng mưa dệt dải lụa cao tốc Bắc - Nam
ID: 608318
Tác giả: Trần Văn Huấn
Lời giới thiệu: Dự án đầu tư xây dựng cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017-2020 dài 652,9 km, được chia thành 11 dự án thành phần. Dự án trải dài trên 13 tỉnh, thực tế quá trình thực hiện phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc. Tuy nhiên, với tinh thần chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, trách nhiệm cao của các bộ ngành, nỗ lực của địa phương, nhà thầu, kỹ sư, công nhân, sự giúp đỡ của nhân dân có dự án đi qua. Đặc biệt Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhiều lần đi thị sát, đôn đốc, kiểm tra và xử lý những vướng mắc cũng như chỉ đạo công tác thi công với tinh thần "vượt nắng thắng mưa, ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương, ý chí kiến cường, làm việc xuyên Tết, xuyên ngày nghỉ". Với niềm vui hạnh phúc được lao động, phục vụ trên công trình trọng điểm quốc gia, mong muốn vì một Việt Nam hùng cường, hàng chục nghìn cán bộ, chiến sĩ, kỹ sư, công nhân trên các công trường như những chú “ong thợ” chăm chỉ ngày đêm miệt mài, không quản nắng mưa, giá rét, điều kiện sinh hoạt khó khăn thiếu thốn đào hầm, phá đá, sẻ núi, đắp đường dệt lên tuyến đường cao tốc Bắc - Nam theo chiều dài đất nước góp phần rất lớn thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa xã hội.

0 Votes


Tác phẩm: Hành trình mới
ID: 605903
Tác giả: Huỳnh Lưu Bảo Trân
Lời giới thiệu: Thời khắc tốt nghiệp lớp 12 thật vô cùng quý giá. Thời khắc ấy, chắc hẳn niềm hạnh phúc sẽ dâng trào trong lòng của mỗi một bạn học sinh. Hạnh phúc vì những nổ lực miệt mài của 12 năm đèn sách cũng đã được đền đáp, chúng ta đã tốt nghiệp phổ thông. Hạnh phúc vì từ đây sẽ bắt đầu hành trình mới, đến với cánh cổng đại học để bồi đắp hành trang 4 năm chuẩn bị bước vào đời. Chặn đường mới này, chúng ta sẽ đi trên chính đôi chân của mình, tự chúng ta nuôi sống bản thân, nỗi lo cơm áo gạo tiền để nuôi nấng chúng nên người sẽ không còn đè lên vai của bố mẹ nữa mà chính chúng ta sẽ quay trở lại phụ giúp gia đình. Niềm hạnh phúc ấy không chỉ của riêng mỗi đứa học sinh mà còn là niềm hạnh phúc của bậc phụ huynh, bởi niềm vui của con chính là niềm hạnh phúc lớn nhất của bố mẹ. Và khi đã làm bố mẹ thì mọi điều mà họ chỉ vì mục tiêu lớn nhất là chăm sóc và dạy dỗ con, giúp con từng bước trưởng thành và khôn lớn. Hơn thế nữa, niềm hạnh phúc ấy còn là niềm hạnh phúc của cả một đất nước, học vấn của chúng ta không chỉ nuôi sống bản thân, gia đình, mà còn giúp ích cho xã hội, chúng ta đem kiến thức ấy phục vụ cho đất nước, cho sự phát triển phồn vinh của dân tộc.

1 Vote


Trước 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 Tiếp