Cuộc thi ảnh bộ – Happy Vietnam 2024!

Lọc theo
Sắp xếp theo

Tác phẩm: “MỘC BẢN THANH LIẾU – HÀNH TRÌNH HỒI SINH MỘT LÀNG NGHỀ”
ID: 600038
Tác giả: Trần Đức Hạnh
Lời giới thiệu: Nghề in khắc gỗ (in mộc bản) thôn Thanh Liễu (phường Tân Hưng, thành phố Hải Dương) đã tồn tại hơn 500 năm. Theo thời gian, nghề in ở đây dần mai một và hiện chỉ còn ít hộ giữ được nghề truyền thống. “Mộc bản Thanh Liễu - Hành trình hồi sinh một làng nghề” không chỉ là đề tài trình diễn, giới thiệu di sản làng nghề, mà còn là một chuyên đề giao lưu, chia sẻ bao gồm các workshop thực hành, thảo luận, kết nối đầu tư với nhiều hoạt động phong phú diễn ra trong suốt tháng 6 tại Hà Nội do phường Bách Nghệ và các nghệ nhân làng Thanh Liễu thực hiện. Chú thích ảnh bài: “MỘC BẢN THANH LIỄU – HÀNH TRÌNH HỒI SINH MỘT LÀNG NGHỀ” 1. Các nghệ nhân đã chia sẻ quá trình tâm huyết giữ nghề in khắc gỗ, đồng thời tổ chức một số hoạt động, như: Triển lãm ảnh về mộc bản Thanh Liễu, trải nghiệm tự tay in mộc bản, pha trà sen, thưởng thức ca trù… 2. Chia sẻ tại sự kiện, anh Nguyễn Công Đạt (nghệ nhân khắc mộc bản làng Thanh Liễu) nói: “Mộc bản Thanh Liễu - Hành trình hồi sinh một làng nghề” nhằm nỗ lực bảo tồn di sản, đồng thời sẽ tạo cơ hội để phát triển và đổi mới cho làng nghề Thanh Liễu. Chúng tôi mong muốn nghề mộc bản sẽ tiếp tục phát triển và được nhiều người đón nhận hơn trong tương lai”. 3. Giấy in mộc bản là giấy dó, giấy xuyến lăn bằng mực Tàu. Người thợ dán giấy lên bản khắc đã hoàn chỉnh rồi lăn đều tay. Ở mỗi công đoạn, người thợ phải cẩn thận đặt hết tâm trí và sự khéo léo mới đem về thành quả là bản in rõ nét và có “sức đề kháng” bền bỉ với thời gian. 4. “Mỗi bản khắc gỗ, một nghệ nhân phải mất trung bình từ 3 đến 5 ngày mới hoàn thiện. Tuy nhiên cũng có những bản khắc gỗ mất khá nhiều thời gian, tới vài tháng tùy vào độ dài ngắn, câu chữ, chủ đề, chi tiết... Có những bản khắc gỗ mà yêu cầu con chữ bé như con kiến, có những chi tiết mảnh đòi hỏi trình độ, kinh nghiệm và thời gian dài mới có thể hoàn thiện”, nghệ nhân Nguyễn Công Tráng cho hay. 5. Mộc bản Thanh Liễu còn đặc biệt ở chỗ là sự tỉ mỉ trong từng nét chạm trổ, những đường vát nhọn được khắc rất mảnh nên khi được in ra giấy sẽ có một nét đẹp rất riêng mà các công nghệ khắc, in ấn hiện đại như CNC, laser... khó có thể làm được. 6. Một bản khắc tạo hình Đức Trì Quốc Thiên Vương. Được biết, những bản khắc "siêu chi tiết" này cần ít nhất 10 ngày đến nửa tháng để hoàn thành cắt gọt từng đường nét 7. Người dân, du khách được trải nghiệm các công đoạn thực hành. Đây là cách để các nghệ nhân truyền lửa trong việc giữ gìn, bảo tồn giá trị làng nghề cũng như lan tỏa văn hóa truyền thống Việt Nam trong nhịp sống đương đại. 8. Công chúng tham quan, trải nghiệm gian trưng bày dụng cụ in mộc bản. 9. Nhiều bộ kinh sách đã được khắc in ấn tại đây, trong đó phải kể đến bộ “Đại Việt sử ký toàn thư” đồ sộ đã được những nghệ nhân làng Hồng Lục (Thanh Liễu) và làng Liễu Tràng vâng lệnh vua khắc đầy đủ lần đầu tiên vào năm Chính Hòa thứ 18 (1697). Hiện, mộc bản đang được lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV (Đà Lạt). 10. Hiện nay đã có một số người trở lại với nghề in khắc mộc bản, Thanh Liễu cũng là “trường dạy nghề” cho những ai đam mê. Tuy nhiên, muốn làm nghề khắc ván in phải học việc trung bình ba năm mới có thể thành thợ. Người thợ phải biết chữ Hán, hiểu luật viết, nhận dạng các chữ in ngược. Bởi sự khó ấy nên từ xưa, nghề in khắc mộc bản đều nằm trong phạm vi gia đình dòng họ theo hướng cha truyền con nối.

0 Votes


Tác phẩm: Ngày Hội Toàn Dân Bảo Vệ An Ninh Tổ Quốc
ID: 596705
Tác giả: Nguyễn Nhất Tư
Lời giới thiệu: Tại Quảng Nam diễn ra nhiều phong trào Toàn Dân bảo vệ An Ninh Tổ Quốc. Một trong những hoạt động đó, có kỷ niệm ngày truyền thống lực lượng Công An Nhân Dân (19/8/1945- 19/8/2024). Tổ chức "Ngày Hội Toàn Dân Bảo Vệ An Ninh Tổ Quốc". Quảng Nam là địa phương có môn thể thao đua thuyền truyền thống được Bà Con Nhân Dân chọn lựa tham gia thể dục thể thao mỗi ngày, và được Chính Quyền quan tâm. Đua thuyền truyền thống là món ăn tinh thần của Bà Con Nhân Dân vùng sông nước Việt Nam với địa hình có nhiều sông suối và có bờ biển kéo dài. Giúp Nhân Dân rèn luyện được sức khoẻ phòng chống Tội Phạm, tệ nạn xã hội, xây dựng phong trào Toàn Dân bảo vệ an ninh Tổ Quốc. Bên cạnh đó tổ chức môn đua thuyền truyền thống còn có tác dụng giúp Nhân Dân vùng thiên tai, phòng chống lũ lụt hiệu quả. Gia tăng tinh thần đoàn kết Dân Tộc, tạo ra được nhiều niềm vui, hạnh phúc trong cuộc sống. Ngày nay trong những dịp kỷ niệm những ngày trọng đại của đất nước. Bộ môn đua thuyền truyền thống, được chọn để tổ chức cho Bà Con Nhân Dân tham gia vui chơi để quảng bá hình ảnh đẹp của đất nước Việt Nam.

0 Votes


Tác phẩm: LĂNG ÔNG-DỰNG NÊU ĐÓN TẾT-NÉT ĐẸP VĂN HÓA CỔ TRUYỀN DUY NHẤT CÒN TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
ID: 36004
Tác giả: Kiều Anh Dũng
Lời giới thiệu: Theo quan niệm của người dân Việt từ bao đời nay,cây nêu được dựng vào dịp Tết Nguyên Đán mang ý nghĩa rất thiêng liêng,tránh những xui xẻo & mang lại một năm mới may mắn cho gia chủ. Gần đây, người ta dường như có xu hướng tối giản đi những tập tục ngày Tết.Những phong tục cổ truyền đã không còn xuất hiện nhiều ở các thành phố lớn,nơi nhịp sống luôn vội vã từng ngày.Đặc biệt phải nhắc tới phong tục dựng cây nêu-một hình ảnh có tính biểu tượng gắn liền với TẾT NGUYÊN ĐÁN Nghi lễ dựng cây nêu được thực hiện theo đúng truyền thống từ lâu đời trong văn hóa của người dân nước Việt.Đó là dùng cây tre già,lóng tre đều và còn nguyên lá tươi trên ngọn,được treo cờ hội ngay ngắn bên dưới lá tre,trang trí thêm lồng đèn tạo màu sắc,lá phướn mang câu chữ với ý nghĩa chúc mừng năm mới cùng những vật dụng trang trí tạo âm thanh như chuông ... Hiện tại ở Thành phố Hồ Chí Minh chỉ còn một nơi duy nhất thực hiện nghi lễ Dựng Nêu đón Tết đó là Lăng Đức Thượng Công Tả Quân Lê Văn Duyệt vào ngày 30 (29)tháng chạp hàng năm trong sân sau lối vào cổng Tam Quan. Nghi lễ DỰNG NÊU được thực hiện và duy trì hơn 200 năm qua của Ban trị sự,Chính quyền địa phương cùng người dân cả nước,đặc biệt là cộng đồng người Việt gốc Hoa Thành phố khi mỗi dịp Tết đến Xuân về.Đây là một nét văn hóa có ý nghĩa trong đời sống tâm thức của người Việt từ xa xưa

0 Votes


Tác phẩm: lễ Phong phẩm Phó cả sư (Lễ Pok Tapah)
ID: 590169
Tác giả: Nguyễn Văn Anh
Lời giới thiệu: Đây là những hình ảnh Lễ Pok Tapah (Phong phẩm Phó Cả sư) của sư cả chức sắc Huỳnh Cạn thôn Phan Hiệp - huyện Bắc Bình, nghi lễ này ghi nhận một bước trưởng thành của một tu sĩ người Chăm Bà-la-môn giáo. Đây là một nghi lễ phong phú, nhiều màu sắc rực rỡ. Có rất nhiều nghi thức được thực hiện trong nhiều ngày, quy tụ nhiều con người để làm nên một cuộc lễ. Và cũng thật khó để chụp lại những hình ảnh này. Trải qua nhiều năm tháng, nhiều biến động thăng trầm trong lịch sử, cùng với những tác động bất lợi của các nền văn hóa khác trong cuộc sống hiện tại, nhưng họ âm thầm, miệt mài gìn giữ màu sắc của tổ tiên, hình như (theo tôi) không sót một ly nào. Nhìn những hình ảnh bạn sẽ thấy rõ những nghi lễ của họ thật độc đáo, đầy bản sắc dân tộc Chăm và có nhiều nét nghệ thuật trong đó nữa. Ai chứng kiến những nghi lễ của họ, mới hiểu được chiều sâu, cũng như nội lực của nền văn hóa Chămpa. Cũng phải nói thêm rằng, để duy trì nền tảng văn hóa tổ tiên để lại, mọi người cũng phải ghi nhận sự gánh chịu của đồng bào, tuy rằng cuộc sống của họ vẫn còn nghèo khó. Mình tin rằng văn hóa Champa sẽ trường tồn theo năm tháng, cũng giống như những ngôi tháp Chăm đẹp đẽ và cổ kính kéo dài từ Quảng bình đến Phú Hài – Phan Thiết vậy. Những ngôi tháp Chăm sừng sững, hiên ngang giữa bầu trời đã chứng minh rõ nét nhất cho sự bất diệt của nền văn hóa Champa.

0 Votes


Trước 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 Tiếp